Ngày 7/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng hạn mức tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3 - 5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.
Theo ước tính của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), trong đợt điều chỉnh vừa qua, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng.
Tại diễn đàn “Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách và nguồn vốn để nâng cao hiệu quả thị trường bất động sản” diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện nhiều ngân hàng đã được nới “room” nhưng số tiền không nhiều, chỉ vài trăm nghìn tỷ và con số này không thấm tháp gì với thị trường bất động sản.
Song, cũng phải hết sức cân nhắc, dòng vốn không nên dễ dãi đưa vào những hoạt động không mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Chẳng hạn, đối với các dự án có tính chất có ích cho xã hội, phù hợp nhu cầu sử dụng khai thác kinh doanh thì cho tiếp cận. Tiếp theo là các dự án sắp hoàn thành thì phải tạo điều kiện tiếp tục hoạt động để tạo lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế.
Trong khi đó, theo ông Đính, việc dòng tiền trên thị trường địa ốc bị trục trặc đang ảnh hưởng trực tiếp đến các chủ đầu tư dự án, khách hàng và các ngành có liên quan khác.
"Tôi đang mường tượng trong khoảng tháng 10 tới đây, rất nhiều doanh nghiệp đến hạn phải trả lãi trái phiếu. Vậy tiền đâu để trả, vấn đề này đối mặt với rất nhiều hệ lụy, khó khăn dồn khó khăn. Khó khăn này làm giảm nguồn cung ra thị trường,... do dự án bị dừng lại", vị này nói.
Theo thống kê của Hội môi giới, nguồn cung các dự án lần đầu vào thị trường trong năm 2018 khoảng 200.000 sản phẩm mới, năm 2019 hơn 100.000 sản phẩm, đến giai đoạn 2020 - 2021 giảm xuống còn 60.000 và 6 tháng đầu năm 2022 còn hơn 20.000 sản phẩm,… Đây là sản phẩm chính thống vào thị trường, còn sản phẩm không chính thống (đất nền) tự phát ở các địa phương cũng được tung vào thị trường hơn gấp 1,5 lần so với sản phẩm chính thống.
Chuyên gia cho biết, giai đoạn trước, việc bơm tiền vào các hoạt động mua bán sản phẩm đất nền rất dễ dàng. Dòng vốn này gây ra bong bóng và khủng hoảng thị trường nhanh hơn. Giá bán cũng bị đẩy nhanh hơn, đất nền tăng phi mã dẫn đến làn sóng tăng giá của sản phẩm chính thống, trong đó có căn hộ chung cư. Đây là một phần nguyên nhân khiến ngân hàng phải phanh lại dòng vốn vào thị trường bất động sản. Động thái này hoàn toàn hợp lý, ngân hàng cần bảo vệ an toàn cho hệ thống.
Vẫn còn dư địa cho vay bất động sản
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm tăng mạnh, cao hơn mức tăng cùng kỳ của ba năm trước.
Tín dụng bất động sản vẫn tăng tích cực, từ đầu năm đến nay tăng 14%, trong đó tín dụng với phân khúc nhà ở tăng 17% và bất động sản đầu tư trên 8%. Hiện tín dụng cho vay bất động sản chiếm 20,6% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế, với mức này vẫn còn dư địa để tiếp tục cho vay bất động sản, vì các quốc gia khác trên thế giới thông thường chiếm 28 - 30% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.
Hiện nay, nhu cầu vốn là khó khăn chung và lĩnh vực bất động sản được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên các tổ chức tín dụng cũng thận trọng hơn trong giải ngân. Song, cũng cần phân định rõ hơn về rủi ro này, tức là chia rủi ro theo phân khúc bất động sản. Trong đó, bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp, bất động sản văn phòng cho thuê, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng,…
Tuy nhiên, theo chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch không nên trông chờ tín dụng ngân hàng vì rủi ro hơn phân khúc khác, pháp lý lại chưa tốt. Hơn nữa, thông thường ở các nước khác, phân khúc này huy động vốn từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước.