Chạy bộ là một cách rèn luyện trí lực - Ảnh: BEHANCE.NET
"Một con thỏ cuối đường thật dễ thương"
Nhà khoa học Ashley Samson, Đại học Bang California (Mỹ), đang thực hiện một dự án giải mã những bí ẩn trong tâm trí của vận động viên chạy bộ.
Thông thường những cuộc khảo sát về tâm lý thường được thực hiện qua bảng câu hỏi. Theo Samson, cách làm này không thật sự chính xác bởi các vận động viên không chắc sẽ ghi lại trọn vẹn luồng suy nghĩ của mình theo từng diễn biến trên đường đua.
Samson và các đồng nghiệp quyết định thử một cách khác biệt. Họ trang bị cho nhóm tình nguyện viên, gồm những vận động viên chạy bộ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, những chiếc micro nhỏ gắn trên áo mỗi khi thi đấu.
Các tình nguyện viên được yêu cầu thoải mái nói ra suy nghĩ của mình trên đường chạy. Tổng cộng Samson thu được file ghi âm dài hơn 18 tiếng, gồm những câu độc thoại của từng người. Đó cũng là những suy nghĩ tức thời, đúng với diễn biến khi họ đua.
Nhóm nghiên cứu cảm thấy rất thú vị khi luôn nghe được những câu nói mà vận động viên tự khích lệ bản thân. Gần như mỗi người trong từng cuộc đua đều lặp đi lặp lại những câu có nội dung tương tự.
"Thở đi Jenny, thư giãn đi Jenny. Thư giãn cổ và vai của mình thôi nào", tình nguyện viên Jenny tự nói lúc cảm thấy mệt mỏi trên đường chạy.
Trong khi đó, tình nguyện viên Fred lại động viên mình hoàn thành cự ly bằng cách nhủ: "Có phải đó là một con thỏ ở cuối con đường không? Ồ, thật dễ thương".
Samson nhận thấy các suy nghĩ thu được từ nhóm tình nguyện viên liên quan đến 3 chủ đề chính: cảm thán về tốc độ và khoảng cách trên đường đua; cảm giác đau và khó chịu khi đua; cảm nhận về không gian đường đua.
Tuy nhiên, hầu hết họ đều áp dụng nhiều "chiến lược" khác nhau để nâng tinh thần của mình khi chạy. Không chỉ là những lời thúc giục bản thân, đó còn là kỹ thuật thở và điều tiết những suy nghĩ theo hướng tích cực.
Chẳng hạn, nhiều tình nguyện viên khi thấm mệt trong những cự ly dài như 10.000m, marathon thường cảm thấy cơ thể bắt đầu khó chịu, chân mỏi, hông đau…
"Tiếp tục thôi", "Đừng để ý tới mấy chuyện nhỏ nhặt này", "Đường chạy nào mà không thử thách mình"… là nhiều câu nói tự động viên mà người chạy tự dành cho mình.
Kiểm soát tinh thần để tăng thành tích
Nhiều vận động viên chủ động đi học cách kiểm soát tinh thần trên đường chạy - Ảnh: GETTY IMAGES
Tiến sĩ Vana Hutter (Đại học Virije Universiteit Amsterdam, Hà Lan) là một chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần của các vận động viên hàng đầu. Cô từng làm nhiều nghiên cứu về vấn đề khả năng tập trung và xử lý áp lực của người thi đấu.
Hutter cho rằng nhiều người muốn tăng thành tích trên đường chạy đã chủ động học cách tối ưu tâm lý. Họ học cách kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ và hành động theo diễn biến trên đường đua. "Thành tích thể thao được quyết định bởi sự kết hợp của cơ thể và trí óc", Hutter nói.
Theo Hutter, ý chí thép khi thi đấu có thể được rèn luyện thông qua khả năng tự điều chỉnh. Vận động viên có thể tận dụng những cơ hội và tình huống có sẵn lúc tập luyện trên đường chạy, chẳng hạn cố gắng vượt qua đồi dốc thay vì chọn đi đường bằng, hay xỏ giày đi chạy sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Theo thời gian, họ sẽ rèn luyện được sự kiên trì, xác định mục tiêu rõ ràng và biết cách ngăn những tác động của môi trường xung quanh đến việc hoàn thành những kỳ vọng.
Hutter cho rằng nhiều vận động viên sinh ra đã là "bậc thầy" về chuyện tự điều chỉnh tâm lý. Tuy nhiên, phương pháp này có thể được hình thành ngay trên đường chạy bộ. "Tăng tốc độ, vượt qua cơn mệt mỏi khi chạy là một hình thức rèn luyện trí lực", Hutter nói.
Bỏ cuộc trên đường đua là do bộ não?
Bỏ cuộc trên đường đua nhìn dưới góc độ khoa học thể thao là một chủ đề thú vị. Vẫn đang có nhiều tranh cãi giữa các nhà sinh lý học và tâm lý học: Đâu là ngưỡng chịu đựng của một người bắt đầu giảm tốc độ và dừng lại nửa đường?
Một lý thuyết được nhiều nhà khoa học ủng hộ là tại thời điểm quyết định dừng lại, mỗi vận động viên thường vẫn có đủ năng lượng để tiếp tục. Bỏ cuộc liên quan đến não bộ nhiều hơn cơ bắp.
Họ tin rằng chính tâm lý của một vận động viên sẽ quyết định các hoạt động vật chất. Họ cũng tin rằng bộ não đã thuyết phục một vận động viên dừng lại trước khi cơ thể kiệt sức hoàn toàn.