Marlene Engelhorn là cháu gái của bà Traudl Engelhorn-Vechiatto, 94 tuổi, chủ tập đoàn hóa chất lớn thế giới BASF và công ty sản xuất dược phẩm, thiết bị y tế, đã bán với giá 11 tỷ USD năm 1997. Khi đó, bà nhận được 2,45 tỷ USD. Đầu năm nay, bà qua đời, khối tài sản đã tăng lên 4,2 tỷ USD.
Marlene được thừa kế hàng chục triệu USD của người bà quá cố, nhưng không hứng thú với điều đó. Cô gọi khoản tiền mình nhận được là may mắn như trúng số vì không làm gì cũng được nhận.
"Tôi không muốn. Tôi khó chịu. Tất nhiên, với số tiền đó, tôi có được sự tự do bất ngờ nhưng nó không phù hợp với quan điểm sống của tôi. Không ai được phép có nhiều tiền và quyền lực mà được miễn thuế như vậy", cô gái lớn lên ở Vienna nói.
Sau khi suy nghĩ và nhận sự góp ý của nhiều người, cô quyết định đóng góp số tiền cho xã hội. ''Tôi không nên tiêu tiền của gia đình mà không làm việc. Quản lý khoản thừa kế đó cần nhiều thời gian và đó không phải kế hoạch của đời tôi'', Marlene giải thích thêm.
Trả lời truyền thông, Marlene chỉ trích giới siêu giàu khi tham gia các hoạt động từ thiện như một kỹ thuật để tránh nộp khoản thuế lớn. Cô không nghĩ hành động này đáng được tôn vinh vì nó thiếu trung thực.
Theo Marlene Elenghorn, không ai nên có số tiền lớn không tưởng trong một xã hội bất bình đẳng. Việc phân phối lại tài sản một cách công bằng hơn và đánh thuế cao hơn đối với giới siêu giàu là yếu tố quan trọng đối với hạnh phúc xã hội.
Engelhorn, hiện đang là sinh viên ĐH Vienna, thành viên của tổ chức Triệu phú vì nhân loại và là người quảng bá cho Sáng kiến Taxmenow (kêu gọi đánh thuế người giàu để giảm chênh lệch giàu nghèo).
Khi được hỏi sẽ sống sao trong tương lai khi từ bỏ 90-95% tài sản thừa kế, Marlene Elenghorn nói: "Tôi chưa biết. Nhưng tôi muốn làm việc chăm chỉ. Người khác cũng vậy".
Trào lưu chối bỏ thừa kế của người trẻ đang diễn ra ở nhiều nước. Những người này được gọi là "kẻ phản bội giai cấp" bởi họ phản đối cách thức tạo ra sự giàu có của thế hệ cha ông, coi đó là nguồn gốc của sự bất bình đẳng trong xã hội. Khi nhận được thừa kế, họ lập tức tìm cách trả lại cho xã hội thông qua những tổ chức phân phối tài sản, ví dụ Poor Magazine, thành lập năm 2009 tại Mỹ. Poor Magazine đã nhận được hàng triệu USD quyên góp mỗi năm. Đến nay họ đã mua hai bất động sản ở Oakland làm nơi ở cho những người khó khăn, đồng thời tài trợ cho các hoạt động vì môi trường, công bằng chủng tộc...
"Có những người không có nhà cửa, chết trên đường phố hàng ngày. Để điều đó tiếp tục diễn ra trong khi người giàu vẫn tiếp tục tích trữ của cải là thô bạo. Chúng ta có trách nhiệm với đồng loại của mình và ở một mức độ nào đó, mọi người nên phân phối lại tài sản", Lisa Grey-Garcia, người sáng lập Poor Magazine cho biết.
Quan điểm "cho đi" không hẳn được ủng hộ. Việc làm từ thiện những khoản tiền lớn ở độ tuổi 20 và đầu 30 cũng có thể gây ra hậu quả cho người tặng ở năm tháng cuối đời, như ảnh hưởng tới khả năng mua nhà hoặc nghỉ hưu. Đồng thời, việc quyên tặng thừa kế này cũng có thể làm căng thẳng mối quan hệ với cha mẹ và ông bà - những người thường không tán thành việc cho đi của cải mà họ đã vất vả để lại.
(Theo OC)