Mở ra cơ hội chưa từng có
GS-TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore), theo dõi rất kỹ lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất và đặc biệt nghe kỹ diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm. "Tôi rất ấn tượng với thông điệp mà Tổng Bí thư chuyển tải trong bài diễn văn. Trong đó, yếu tố lòng tin, tạo sự phấn khích, tinh thần mong muốn bắt tay thực hiện ngay rất ấn tượng. Bài diễn văn gợi lên niềm tin và sự cảm phục về ý thức trách nhiệm và sự thông tuệ của thế hệ hôm nay. Một thông điệp về niềm tin rất rõ ràng và các nước trên thế giới, từ những quốc gia phát triển châu Âu, Mỹ, Á đến khu vực Trung Đông đều dành sự đặc biệt chú ý đến nội dung này và phân tích, đánh giá cao. Bởi tất cả cho thấy Việt Nam đã phát tín hiệu, phất lên ngọn cờ cải cách mạnh mẽ, với quyết tâm cao", ông chia sẻ.

Khát vọng dân tộc làm nên sức mạnh đưa Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới
ẢNH: Mai Thanh Hải
Còn theo GS-TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội tốt như hiện nay. Tinh thần, hào khí trước và trong lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất cho thấy niềm tự hào, sự đồng lòng của cả dân tộc. Ngoài nước, Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia phát triển và chúng ta đang có vị thế quan trọng trong nền kinh tế, địa chính trị toàn cầu. Đây là cơ hội để các cơ quan, doanh nghiệp (DN) dễ dàng đón nhận những tổ chức, đối tác, những nghiên cứu sáng chế trên thế giới.
Đáng chú ý, theo ông Võ Đại Lược, Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian qua đã nhấn mạnh đến việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là hướng đi hoàn toàn đúng. Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng đưa ra quan điểm xem DN tư nhân là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới; kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Đây là lần đầu tiên cấp lãnh đạo cao nhất xác định rõ DN tư nhân là lực lượng chủ yếu, cùng cả nước xây dựng nên một Việt Nam năng động, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng.
"Muốn đất nước bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn mới thì chính các DN tư nhân phải phát triển mạnh nhất. Đây là lực lượng những người có động lực mạnh mẽ nhất, có nhiều ý tưởng, đổi mới sáng tạo để vươn lên. Ngay trong quan điểm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số thì chính lực lượng DN tư nhân cũng sẽ là người đi tiên phong và thực hiện như đã diễn ra ở các quốc gia phát triển", PGS-TSKH Võ Đại Lược nhấn mạnh. Ông cho rằng cần có chính sách ưu đãi đặc biệt cho DN tư nhân trong nước và quy định thành luật. Từ đó mới tạo động lực cho DN Việt bứt phá và hình thành nên nhiều tập đoàn kinh tế lớn mạnh, trở thành những "quả đấm thép" thật sự, nâng cao sức cạnh tranh trong khu vực lẫn thế giới. Càng có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn thì Việt Nam sẽ càng phát triển, tận dụng được cơ hội chưa từng có như hiện nay để vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Chính sách thần tốc, cởi mở
Để biến cơ hội chưa từng có thành hiện thực, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, các chuyên gia cho rằng ngoài tư duy của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì cần có chính sách cởi mở, sự quyết tâm, thực hiện nhanh, toàn diện. Theo
GS-TS Vũ Minh Khương, kinh nghiệm là khi đã phất lá cờ cải cách thì làm sao phải mở được "Chiến dịch Hồ Chí Minh thời bình" để tận dụng được thời cơ. Theo đà đó, chúng ta phải tiến nhanh, mạnh và phải thực sự đứng trên vai những người khổng lồ để bắt đầu kỷ nguyên mới. Bài học của Cách mạng Việt Nam 50 năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là nghĩ lớn, đi nhanh, dứt khoát và đúng lúc.
GS-TS Vũ Minh Khương chia sẻ: "Sau khi xem lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, tôi thấy có 4 động lực để phát triển mà VN cần triển khai đồng bộ. Đó là xúc cảm, khai sáng, gắn kết và kiến tạo. Trong đó, xúc cảm của người Việt qua lễ kỷ niệm này cũng thấy rõ là vô song, từ đó, nó giúp ta điều chỉnh được 3 động lực kia đi cùng nhau. Việc khai sáng sẽ làm được ngay bởi thế giới phẳng, trí tuệ nhân tạo, không cần phải đến tận nơi để học hỏi. Kế đó, động lực gắn kết được thực hiện qua cải cách bộ máy, sáp nhập các tỉnh thành, tạo sự liên thông đặc biệt mới thành công. Chẳng hạn tại TP.HCM sau khi sáp nhập với Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương, có thể xây dựng đặc khu kinh tế tại Bà Rịa hay Bình Dương. Trong đó có toàn bộ các dịch vụ tài chính, giáo dục, đầu tư… với cơ chế nổi trội, ưu đãi như cách Singapore hay Hồng Kông đã làm rất thành công".
"Kinh nghiệm cho thấy đặc khu kinh tế Hồng Kông có thể có mức tăng trưởng không quá cao, nhưng các vùng lân cận tăng rất mạnh. Vai trò của đặc khu có thể kéo kinh tế cả một vùng. Chẳng hạn, có đặc khu kinh tế tại TP.HCM, giúp TP chỉ tăng trưởng 10%, nhưng các tỉnh thành lân cận tăng đến 15%. Việt Nam muốn trở thành cường quốc thì phải đưa được tinh thần Chiến dịch Hồ Chí Minh vào cải cách, phải làm nhanh, thần tốc và khiến thế giới kinh ngạc. Thời gian không có nhiều, muốn phát triển đột phá không phải là vấn đề thu hút đầu tư, xuất khẩu món hàng gì, đầu tư công thế nào… mà thế giới làm gì, mình phải làm bằng hoặc tốt hơn họ, từ chính sách, luật pháp, hợp tác quốc tế đến mô hình kinh doanh. Ngày xưa, đâu phải vì chúng ta to lớn mà thắng đế quốc, mà nhờ tầm nhìn chiến lược, phải căng mắt để nhìn được điểm huyệt của đại bàng…", GS-TS Vũ Minh Khương nói thêm.
PGS-TSKH Võ Đại Lược nhận định: Cấp lãnh đạo cao nhất của chúng ta đã thể hiện tư duy cởi mở, chỉ ra những yếu tố then chốt, động lực phát triển mới với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng đất nước phồn vinh. Đây là cơ sở để biến cơ hội, tiềm năng của Việt Nam thành hiện thực. Quan trọng hơn là phải có những chính sách cụ thể, gắn liền với hành động thống nhất từ các cấp. Đặc biệt, các chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng phải song song với khuyến khích DN trong nước mua phát minh sáng chế từ nước ngoài để áp dụng hiệu quả nhất, nhanh nhất. "Để tận dụng được cơ hội chưa từng có trong lịch sử thì ngoài tư duy, chiến lược cấp cao chúng ta cần có các chính sách cụ thể triển khai vào thực tế. Đặc biệt, các chính sách phải thông thoáng, thực sự cởi mở từ thể chế, luật lệ để tạo cơ hội bứt phá cho DN nói riêng và toàn thể người dân Việt Nam nói chung", ông Lược nêu quan điểm.
Khát vọng dân tộc làm nên sức mạnh
Trong mọi giai đoạn lịch sử của đất nước, khát vọng dân tộc vẫn luôn là chất keo gắn kết và làm nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Đây cũng là một trong những giá trị xuyên suốt, tạo động lực thôi thúc nhân dân Việt Nam tiếp tục kế thừa, tạo nên những chiến thắng trong thời đại mới. Việt Nam sau 50 năm thống nhất đã vươn lên thành một quốc gia có vị thế cao không chỉ về tiềm năng mà còn về cả thế năng và động năng. Đó là vị thế trong giao dịch với các nền kinh tế lớn; lực hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài và nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của các DN Việt.
GS-TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore