Sự kiện HOSE hủy bỏ giao dịch bán cổ phiếu LDG của ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của CTCP Đầu tư LDG do bán ra mà không báo cáo hay công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.
Ông Hưng bán “chui” 2,6 triệu cổ phiếu vào ngày 15/8, ước tính số tiền thu được hàng chục tỷ đồng. Trước đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC (Mã: FLC) bị hủy giao dịch bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC thu về hàng nghìn tỷ đồng.
Không riêng ông Hưng, nhiều ông chủ bất động sản và gia đình lựa chọn bán cổ phiếu để giải quyết nhu cầu thanh khoản. Quyết định chuyển nhượng một lượng lớn cổ phần được đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản “khát” dòng tiền, khó tiếp cận tín dụng, áp lực trả lãi và nợ gốc trái phiếu…
Thậm chí việc sử dụng “margin” từ các công ty chứng khoán giai đoạn thị trường thăng hoa trước đó (2021 – 2022) khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phải chuẩn bị một lượng tiền lớn để rút số cổ phần đang cầm cố hoặc “đảo deal” (tức đáo hạn khoản vay trong một công ty hoặc chuyển khoản vay sang công ty chứng khoán khác).
Như vậy, về mặt bản chất, nhiều giao dịch chuyển nhượng cổ phần tại các công ty bất động sản không hoàn toàn là bán ra ngoài thị trường thu tiền như ông Nguyễn Khánh Hưng hoặc ông Trịnh Văn Quyết mà có thể là sang tay nội bộ, chuyển cổ phần làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay, cầm cố hoặc thương vụ phát hành cổ phần.
Theo dõi trong 4 tháng gần đây, khi thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa, cổ phiếu bất động sản hồi phục mạnh sau giai đoạn lao dốc, giao dịch tại các công ty địa ốc cũng có phần nhộp nhịp hơn. Những giao dịch xuất hiện ở cả “ông lớn” trong ngành cho đến đơn vị quy mô vừa và nhỏ.
Đơn cử như tại Novaland (Mã: NVL), hai cổ đông tổ chức lớn nhất của công ty có liên quan đến chủ tịch Bùi Thành Nhơn là Novagroup và Diamond Properties bị bán giải chấp hàng chục triệu cổ phần để hoàn thành nghĩa vụ nợ gốc và lãi vay cho các khoản vay, trái phiếu đến hạn. Trước đó, cuối năm 2022, lệnh bán giải chấp diễn ra trên tài khoản của ông Bùi Thành Nhơn và vợ - bà Cao Thị Ngọc Sương, con trai - ông Bùi Cao Nhật Quân.
Cùng thời điểm đó, bên cạnh Novaland, nhiều vị lãnh đạo khác và gia đình cũng bị bán giải chấp lượng lớn cổ phần như ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Hải Phát Invest (Mã: HPX), ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch DIC Corp (Mã: DIG), ông Nguyễn Văn Đạt và Phát Đạt Holdings.
Sau làn sóng giải chấp, nhiều giao dịch lượng lớn cổ phiếu của của lãnh đạo công ty bất động sản xuất hiện kể từ đầu tháng 5, như vừa đề cập trên.
Ví dụ, mới đây nhất vợ chồng ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hoàng Quân (Mã: HQC) kế hoạch bán gần hết 34,5 triệu cp nắm giữ. Hay giao dịch của hai người có liên quan đến ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Đất Xanh (Mã: DXG) là ông Lương Trí Tú và ông Lương Trí Thảo với tổng hơn 9,2 triệu cp.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Nam Long (Mã: NLG) và vợ - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng bán ra tổng cộng 4,5 triệu cổ phiếu NLG trong tháng 5 – 7. Ông Phan Tuấn Nghĩa, con bà Nguyễn Thị Lệ Thúy, Giám đốc Kinh doanh Khải Hoàn (Mã: KHG) bán 5 triệu cp trong phiên 14/7.
Hưng Thịnh Investment bán hơn 3 triệu cổ phiếu HTN của Hưng Thịnh Incons trong phiên 10/7, ngay trước thời điểm mã chứng khoán này bước vào nhịp tăng giá gần 40% chỉ trong ít phiên giao dịch.
Tại CTCP Sông Đà 1.01 (Mã: SJC), ông Nguyễn Khánh Phương (hay còn gọi là ca sĩ Khánh Phương), thành viên Hội đồng Quản trị cùng 3 cá nhân tổ chức cũng đăng ký bán ra hết lượng cổ phần nắm giữ.
Ngoài những giao dịch điển hình trên, thị trường còn chứng kiến nhiều giao dịch bán với khối lượng hàng trăm nghìn cổ phiếu bất động sản của lãnh đạo tầm trung tại các các vị trí như phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và người nhà của họ. Đồng thời, các quỹ đầu tư cũng tranh thủ nhịp tăng giá của các cổ phiếu bất động sản để thực hiện giao dịch cơ cấu, đảo danh mục.
Theo chia sẻ của một vị lãnh đạo công ty chứng khoán, trong bối cảnh thị trường chứng khoán nhộn nhịp như hiện nay, việc thanh khoản cổ phần sở hữu dễ hơn rất nhiều một lô đất, một căn nhà nên quyết định bán ra thời điểm này để giải quyết nhu cầu tài chính của các lãnh đạo công ty địa ốc không mấy khó hiểu.
Nếu quan sát rộng hơn, không chỉ với nhóm bất động sảnq, nhiều lãnh đạo và người nhà, tổ chức có liên quan ở các doanh nghiệp khác như nhóm năng lượng, thép hay ngân hàng cũng bán ra một lượng lớn cổ phần, có thể hàng chục triêu đơn vị. Sau nhịp tăng giá mạnh chỉ trong thời gian ngắn, đây có thể là thời điểm bán “được giá” để họ chuẩn bị tài chính cho kế hoạch sắp tới, vị này nói thêm.