Dinh dưỡng

Kháng sinh giả tấn công đa cơ quan, bào mòn sức khỏe

Tóm tắt:
  • Việc dùng thuốc giả gây tốn kém, tổn thương sức khỏe và tăng nguy cơ tử vong.
  • Bộ Y tế đã công bố 21 sản phẩm thuốc giả, gồm 4 loại kháng sinh và thuốc giảm ho.
  • Thuốc giả làm tăng kháng thuốc, gây khó khăn cho điều trị và có thể chứa chất độc hại.
  • Người dân cần ngưng dùng thuốc giả, đến bệnh viện và thông báo cho bác sĩ về tình trạng.
  • Cần tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm và nhà sản xuất để tránh mua thuốc giả.

Theo Bộ Y tế, trong số 21 sản phẩm thuốc giả đã công bố, có 4 loại xác định là Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion. Còn lại là một sản phẩm điều trị xương khớp và hàng nghìn hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu, chưa được cấp phép lưu hành.

"Hai trong bốn sản phẩm này là kháng sinh trị các bệnh lý hô hấp phổ biến", bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Mạch máu Việt Nam, chia sẻ. Tetracyclin TW3 là kháng sinh dùng cho các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm khuẩn da, một số bệnh lây qua đường tình dục. Clorocid TW3 là kháng sinh kìm khuẩn, có thể diệt vi khuẩn nhạy cảm ở nồng độ cao và thường dùng cho các trường hợp nhiễm khuẩn nặng.

Nếu dùng hai loại thuốc giả này, người bệnh hầu như không được điều trị đúng cách, đặc biệt nguy hiểm với các ca nặng như viêm phổi hay nhiễm trùng huyết.

Với Pharcoter và Neo-Codion, đây là thuốc giảm ho, long đờm, chỉ định trong các trường hợp ho khan hoặc do kích ứng như cảm lạnh, viêm họng. Các chế phẩm này có chứa codein – chất gây nghiện nhẹ nên phải dùng theo chỉ định bác sĩ. Trường hợp thuốc bị pha trộn chất độc hại hoặc giả chất gây nghiện có thể dẫn đến rối loạn thần kinh, tổn thương tim mạch, nội tạng. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc giả với hàm lượng hoạt chất không đủ còn thúc đẩy vi khuẩn kháng thuốc, làm khó khăn thêm cho điều trị sau này.

Đặc biệt, nhiều thuốc giả điều trị xương khớp có thể chứa corticoid không rõ nguồn gốc, gây loãng xương, tăng huyết áp, loét dạ dày, suy thượng thận hoặc hội chứng Cushing nếu sử dụng lâu dài.

Nguy hiểm hơn, thuốc giả có thể chứa tạp chất độc hại, dẫn đến tổn thương gan, thận hoặc gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ. Chúng cũng làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, khiến điều trị về sau càng khó khăn.

"Trường hợp bệnh nhân nặng dùng thuốc giả không chỉ bỏ lỡ thời điểm vàng điều trị mà còn đối diện với nguy cơ biến chứng trầm trọng, thậm chí tử vong", bác sĩ nhấn mạnh.

Hàng chục nhãn hiệu thuốc bị làm giả tinh vi. Ảnh: Lam Sơn

Hàng chục nhãn hiệu thuốc bị làm giả tinh vi. Ảnh: Lam Sơn

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, khuyến cáo người dân khi lỡ uống thuốc giả cần ngưng thuốc, giữ lại bao bì thuốc và đến bệnh viện khám để phát hiện sớm bất thường sức khỏe nếu có. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ cụ thể loại thuốc đã uống, liều lượng và thời gian sử dụng sẽ giúp bác sĩ theo dõi điều trị bệnh chính xác.

Theo dõi sát các biểu hiện bất thường sau uống phải thuốc giả, như đau đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, dị ứng. Ghi lại diễn biến triệu chứng để cung cấp cho bác sĩ. Nên báo với cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương về thuốc giả để kịp thời ngăn chặn mối nguy hiểm cho cộng đồng.

Bác sĩ hướng dẫn 5 cách để tránh mua phải thuốc giả, như sau:

- Tìm hiểu tên sản phẩm, đảm bảo không nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng (tác dụng hỗ trợ sức khỏe) và thuốc (tác dụng điều trị bệnh).

- Đọc kỹ nhãn hay bao bì sản phẩm, tìm hiểu thông tin về thành phần, hoạt chất chính, hàm lượng có đủ khuyến nghị hằng ngày cho cơ thể. Tìm hiểu các thành phần phụ bao gồm chất bảo quản, hương liệu, màu thực phẩm, thành phần gây dị ứng hoặc chất độc hại.

- Tìm hiểu liều lượng và hướng dẫn sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, ghi trên nhãn hoặc phiếu công bố chất lượng thường kèm trong hộp sản phẩm. Không tự ý tăng liều uống để tránh ngộ độc. Trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền cần tham vấn bác sĩ nếu muốn dùng thuốc.

- Kiểm tra thông tin về nhà sản xuất, giấy chứng nhận đạt các tiêu chuẩn như GMP, ISO, HACCP, hoặc Bộ Y tế cấp phép. Có thể kiểm tra mã vạch, QR code để xác minh thông tin sản phẩm.

- Kiểm tra hạn sử dụng thuốc, tránh mua sản phẩm gần hết hạn hoặc bao bì bị hỏng.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (24/4), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh sau khi lập đỉnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 119,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 118 triệu đồng/lượng.

Công dân có phải tự cập nhật quê quán sau sáp nhập tỉnh thành?

Thiếu tá Trần Duy Hiển, phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, việc cập nhật thông tin địa giới hành chính thì Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ cập nhật ngay sau khi có quyết định điều chỉnh địa giới hành chính. Tất cả sẽ được làm trên chức năng của phần mềm.

Cổ phiếu ngành tiêu dùng giữa "bão" thuế quan

Trong làn sóng bất ổn do căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, thị trường chứng khoán đã và đang chứng kiến sự dịch chuyển rõ rệt của các dòng vốn. Khi cổ phiếu công nghệ, xuất khẩu gặp khó vì rào cản thuế, nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt tại châu Á, đang trở thành nơi trú ẩn chiến lược của giới đầu tư.