Danh sách tăng dần
Dữ liệu của công ty nghiên cứu địa ốc China Real Estate Information Corp. (CRIC) cho thấy, tính đến ngày 13/7, người mua nhà tại Trung Quốc đã ngừng thanh toán nợ vay thế chấp tại ít nhất 100 dự án trên hơn 50 thành phố.
Các chuyên gia phân tích tại Jefferies Financial Group, trong đó có chiến lược gia Shujin Chen, nói con số trên đã tăng đáng kể so với khoảng 28 dự án trong ngày 11/7 và 58 dự án của ngày 12/7.
Người mua nhà được cho là đang rất bất mãn vì các nhà thầu bàn giao dự án chậm trễ. Vụ việc lần này đe doạ sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng của lĩnh vực nhà đất Trung Quốc, đồng thời thổi bùng nguy cơ phát sinh nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Chia sẻ với Bloomberg, bà Chen nhấn mạnh: “Trong ba ngày qua, các cái tên trong danh sách tăng gấp đôi mỗi ngày. Sự cố này chắc chắn sẽ đè nặng lên tâm lý người mua nhà và ảnh hưởng đến sự phục hồi doanh số bán nhà trong tương lai…”
Theo Jefferies, các dự án bị giao chậm hiện chiếm khoảng 1% tổng dư nợ thế chấp của Trung Quốc. Nếu tất cả người mua nhà đều vỡ nợ, khoản nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng 388 tỷ nhân dân tệ (tương đương 58 tỷ USD). Dù vậy, báo cáo của Jefferies không ước tính cụ thể số lượng người mua nhà đang trốn tránh việc trả nợ.
Trong một báo cáo mới công bố, nhà phân tích Griffin Chan của Citigroup cảnh báo đây là “thời điểm trọng yếu, Bắc Kinh cần sự ổn định xã hội”. Cuộc khủng hoảng mới nhất có thể khơi mào bất ổn xã hội.
Cổ phiếu của một số ngân hàng lớn tại Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng với vụ việc. Trong phiên giao dịch ngày 14/7, chỉ số CSI 300 Banks có thời điểm giảm tới 3,3%.
Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc - một ngân hàng nhà nước, thông báo họ đang nắm giữ khoảng 660 triệu nhân dân tệ các khoản vay quá hạn đối với nhà ở chưa hoàn thiện.
Trong khi đó, đối thủ nhỏ hơn là Ngân hàng Công nghiệp cho biết khoảng 1,6 tỷ nhân dân tệ tài sản thế chấp đang chịu ảnh hưởng bởi vụ việc, trong đó 384 triệu nhân dân tệ đã đến hạn thanh toán.
Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc - tổ chức cho vay thế chấp lớn nhất tại đất nước tỷ dân, cho biết nhìn chung họ có thể kiểm soát được rủi ro vì mức độ liên quan đối với các dự án nhà đất bị trì hoãn là rất nhỏ.
Việc người mua nhà từ chối thanh toán nợ vay chứng tỏ rằng cơn bão từng nhấn chìm lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu gây ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người dân bình thường. Điều này cũng nhấn mạnh rủi ro bất ổn xã hội ngay trước thềm đại hội đảng vào cuối năm nay.
Từ năm ngoái, hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã phải vật lộn với không ít khó khăn, chẳng hạn như tình trạng căng thẳng thanh khoản của các công ty bất động sản nặng nợ. Giờ đây, họ còn phải gồng mình trước nguy cơ vỡ nợ của người mua nhà.
Vì sao nên cớ sự?
Trao đổi với Bloomberg, các nhà phân tích tin rằng việc giá nhà ở sụt giảm có thể là một nguyên nhân khác khiến người mua từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp, chứ không chỉ do các công ty địa ốc bàn giao dự án chậm trễ.
Bà Chen của Jefferies bày tỏ: “Các nhà đầu tư đang lo ngại rằng làn sóng ngừng thanh toán nợ vay có thể lan rộng, đơn giản là do giá bất động sản hiện nay thấp hơn và doanh số bán bất động sản cũng đi xuống”.
Citigroup cho biết, giá nhà đất tại các dự án lân cận trong năm nay hiện thấp hơn khoảng 15% so với mức giá trong ba năm qua. Tháng 5 năm nay, giá nhà tại Trung Quốc đã tụt dốc trong tháng thứ 9 liên tiếp.
Cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản Trung Quốc đang tiến tới một giai đoạn mới, khi vấn đề thanh khoản lây lan sang các công ty từng được được coi là khoẻ mạnh, bao gồm cả Country Garden Holdings - tập đoàn xây dựng lớn nhất tính theo doanh số.
Mặc dù mối nguy đối với hệ thống ngân hàng hiện có thể nằm trong tầm kiểm soát, “nhiều sự kiện rủi ro khác có thể xảy đến, trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc chững lại, kỳ vọng của người dân về thu nhập tương lai sa sút và doanh số bán nhà thu hẹp”, bà Chen nhấn mạnh.
Xây chưa xong đã lo bán
Mặt khác, các nhà phân tích của Nomura Holdings cho rằng việc người mua từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp bắt nguồn từ một thực tế phổ biến ở Trung Quốc là bán nhà trước khi xây xong.
Khi rắc rối tài chính của các công ty bất động sản ngày càng nghiêm trọng, công chúng ngày càng ít tin tưởng dự án sẽ hoàn thành đúng hạn, Nomura chia sẻ thêm.
Ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, các công ty địa ốc chỉ bàn giao được khoảng 60% số nhà mà họ đã bán từ năm 2013 đến năm 2020, trong khi dư nợ thế chấp tăng 26,3 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Ông Ting Lu, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của Nomura, đánh giá: “Bán nhà trước khi xây dựng xong tạo ra rủi ro ngày càng lớn cho các nhà phát triển, người mua nhà, hệ thống tài chính và nền kinh tế vĩ mô”.
Nếu doanh nghiệp bàn giao nhà chậm trễ, các hộ gia đình sẽ bớt muốn mua nhà mới; trong khi đó, giá vật liệu thô tăng cao khiến nhà thầu không có đủ nguồn vốn để bắt đầu thi công, dù đã có trong tay tiền mua nhà trước của một số khách hàng.