Khách hàng tố bị đại lý bảo hiểm tự ý giả chữ ký
Phản ánh với Tuổi Trẻ Online, ông N.V.Biên (54 tuổi) cho biết vào giữa năm 2018, đại lý bảo hiểm H.V.Hưng đã tới nhà mời chào mua bảo hiểm nhân thọ "Gia đình tôi yêu" của Manulife.
"Ban đầu không đồng ý vì đóng phí quá cao, 188 triệu mỗi năm, nhưng ông Hưng tới lui gần hai tháng liên tục, tiếp mãi cũng ngại nên tôi đồng ý miệng là sẽ mua", ông Biên nhớ lại.
Được đề nghị đi khám sức khỏe để xem xét đủ tiêu chuẩn tham gia hợp đồng bảo hiểm hay không, ông Biên đã tới phòng khám theo chỉ định. Một thời gian sau, ông Hưng báo kết quả sức khỏe tốt, đủ điều kiện mua bảo hiểm, nên ông Biên đã nộp phí.
Gần ba năm sau, ông Biên phát hiện trên người xuất hiện khối u và đi khám. Nghĩ mình sẽ được bảo hiểm bảo vệ, nhưng ông Biên bất ngờ khi bị từ chối chi trả bồi thường với lý do có bệnh lý từ trước. Ông rất thắc mắc vì trước đó đã đi khám sức khỏe theo chỉ định và đã được thông qua để mua bảo hiểm.
Lúc này ông Biên mới lấy hợp đồng ra đọc, phát hiện không chỉ bị người đại lý tự ý kê khai sức khỏe, mà còn bị giả mạo chữ ký của mình và cả ba người con. Thời điểm đó có một người con của ông đang sống tại Úc.
"Ông Hưng đã làm quen với gia đình nhiều năm, lúc nhận hợp đồng chúng tôi rất tin tưởng nên đem cất kỹ chứ không xem lại", ông Biên cho hay.
Chưa kể, giữ vai trò trụ cột trong nhà, nên theo nguyện vọng ban đầu ông Biên sẽ là người được bảo hiểm chính, song giờ phát hiện đã bị chuyển sang đứa con trai nhỏ tuổi nhất.
Hợp đồng vô hiệu khi bị giả chữ ký
Sau khi Tuổi Trẻ Online liên hệ, bộ phận quan hệ khách hàng của Manulife vừa gửi phúc đáp cho ông Biên về sự việc trên.
Đầu tiên, Manulife nhấn mạnh việc công ty có yêu cầu kiểm tra y tế hay không thì khách hàng đều phải có nghĩa vụ kê khai trung thực.
Manulife cũng cho biết "đã làm việc nghiêm túc" với đại lý Hưng. Theo nội dung giải trình, đại lý này cho biết đã hướng dẫn ông Biên và con gái tên M. ký vào đơn yêu cầu bảo hiểm và tờ khai thông tin. Riêng chữ ký của hai người con còn lại (một người dưới 18 tuổi, một người đang du học), ông Hưng "đã ghi họ tên" vào tờ khai thông tin "với sự đồng ý" của ông Biên.
Nhận được phản hồi của Manulife, ông Biên không phục, tiếp tục khẳng định bản thân trung thực, gần ba năm sau khi đóng tiền mua bảo hiểm mới phát hiện bệnh. Đồng thời khẳng định lời giải trình của đại lý Hưng liên quan đến chữ ký là sai sự thật.
Tiếp nhận thông tin, luật gia Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - nhận định hợp đồng bảo hiểm là một loại giao dịch dân sự đặc biệt, bắt buộc phải có xác nhận của cả bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm, để tránh nguy cơ đạo đức.
Nguy cơ đạo đức ở đây là việc người được bảo hiểm có thể bị gây hại để trục lợi bảo hiểm. Chính vì thế người được bảo hiểm phải “cho phép” người khác được tham gia bảo hiểm trên sinh mạng của chính mình. Bằng chứng để thể hiện sự cho phép này chính là chữ ký xác nhận trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.
Như vậy ông Biên và những người con trên 18 tuổi đều phải xác nhận bằng chính chữ ký của mình. Riêng người con dưới 18 tuổi thì cần cha/mẹ/ người giám hộ hợp pháp ký xác nhận.
"Hợp đồng ngay từ đầu đã bị vô hiệu", ông Đán nhận định. Bởi nếu chữ ký của bên mua bảo hiểm hay người được bảo hiểm mà lại do đại lý ký vào đều không thỏa mãn yêu cầu để hợp đồng có hiệu lực.
Theo nguyên tắc xử lý hợp đồng vô hiệu, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn trả toàn bộ số phí bảo hiểm đã thu của khách hàng, khách hàng hoàn trả các khoản bồi thường đã nhận được trước đó.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm cần giám định chữ ký, vừa bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, vừa bảo đảm uy tín doanh nghiệp.