Xã hội

Kêu gọi ủng hộ các hoàn cảnh nghèo khó bằng tài khoản cá nhân có vi phạm pháp luật không?

Tóm tắt:
  • Kêu gọi từ thiện là hành động hợp pháp, cần tuân thủ quy định để đảm bảo minh bạch.
  • Cá nhân có thể kêu gọi đóng góp qua mạng xã hội, nhưng phải rõ mục đích và công khai.
  • Theo nghị định, người vận động phải thông báo rõ mục đích, tài khoản, địa điểm, thời gian và gửi thông báo đến xã.
  • Phải mở tài khoản riêng, ghi chép đầy đủ, minh bạch nguồn đóng góp, và chỉ nhận trong thời gian quy định.
  • Vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, nếu gian dối hoặc chiếm đoạt tài sản.

Thời gian gần đây, hoạt động kêu gọi từ thiện các hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo... vào tài khoản cá nhân diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự tham gia đông đảo từ các cá nhân, tổ chức. Đặc biệt với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, lượng tiền nhận được sau mỗi lần quyên góp là khá lớn, có thể lên đến chục triệu hay hàng trăm triệu đồng...

Tuy nhiên, nhiều người cũng không khỏi thắc mắc, liệu cá nhân có được phép kêu gọi từ thiện cho các hoàn cảnh khó khăn. Khi những vụ việc trục lợi từ thiện đã làm dấy lên sự lo ngại trong xã hội, cộng đồng.

Cá nhân có được phép kêu gọi từ thiện cho các hoàn cảnh khó khăn?

Việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ. 

Kêu gọi ủng hộ các hoàn cảnh nghèo khó bằng tài khoản cá nhân có vi phạm pháp luật không?- Ảnh 1.

Theo đó, Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện. Pháp luật không cấm cá nhân kêu gọi ủng hộ đối với các trường hợp bị bệnh nặng, tai nạn giao thông, chạy thận, hoàn cảnh nghèo khó... bằng tài khoản cá nhân của mình thông qua mạng xã hội Facebook và Zalo với mục đích nhân đạo, tuy nhiên phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng và thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể

Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về các nội dung:

- Mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động đóng góp;

- Tài khoản tiếp nhận (đối với tiền); 

- Địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật);

- Thời gian cam kết phân phối; 

- Gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP. 

UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, cá nhân cần phải: 

- Mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận;

- Có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

- Không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Cá nhân có cần công khai nguồn đóng góp tự nguyện?

Về việc quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện, tại Nghị định này cũng quy định rõ các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Kêu gọi ủng hộ các hoàn cảnh nghèo khó bằng tài khoản cá nhân có vi phạm pháp luật không?- Ảnh 2.

Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Cụ thể: 

- Công khai văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ngay sau khi ban hành;

- Công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 1 - 3 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện; 

- Công khai kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện;

- Công khai tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận;

- Công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng; 

- Công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.

Trường hợp có hành vi gian dối (dựng chuyện, giả mạo thông tin, giả danh nạn nhân...) nhằm chiếm đoạt tài sản; sử dụng tiền ủng hộ sai mục đích hoặc chiếm hưởng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, dư luận xã hội thì căn cứ tính chất, mức độ, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự về các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự (tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự; Tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự...).

Các tin khác

Ăn gì giảm nguy cơ đột quỵ?

Các loại cá béo, dầu ô liu giàu omega-3, trong khi quả mọng nhiều hợp chất thực vật, chất chống oxy hóa giúp giảm viêm, bảo vệ mạch máu, phòng đột quỵ.

Giá bất động sản lại âm thầm tăng

Những báo cáo gần đây cho thấy, trong khi giá căn hộ ở thị trường TP.HCM tăng thì tại Hà Nội, phân khúc thấp tầng đã có sự phục hồi rõ rệt từ cả nguồn cung và nhu cầu.

ĐHĐCĐ Vinasun: Tập trung đầu tư xe hybrid, giữ vững "ánh đèn" giữa cạnh tranh khốc liệt

Trong bối cảnh thị trường taxi ngày càng cạnh tranh và nhu cầu tiêu dùng thay đổi, Vinasun đã đưa ra kế hoạch kinh doanh đầy thận trọng cho năm 2025. Mặc dù đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đi lùi so với năm trước, doanh nghiệp khẳng định sẽ đầu tư mạnh vào tái cơ cấu đội xe và nâng cấp công nghệ, nhằm duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường.