Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn Đèo Cả, tại buổi kiểm tra, chia sẻ về tình trạng “thừa máy, thiếu thợ” của hai dự án cao tốc, Tập đoàn cho biết đã chủ động làm việc với Trường Cao đẳng GTVT Trung ương 1, Trung ương 4 để “đặt hàng” bổ sung nguồn nhân sự lái xe, lái máy từ chính các cơ sở đào tạo này cho các đơn vị thi công.
Đánh giá cao sáng kiến biến “công trường thành thao trường” của Đèo Cả, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhận định: “Đây là sáng kiến hay để sinh viên các trường cao đẳng nghề giao thông có cơ hội thực hành, nâng cao năng lực thực tế. Đề nghị Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu nhân rộng mô hình này không chỉ ở dự án cao tốc phía Bắc, mà cả các dự án phía Nam”.

Ông Nguyễn Tấn Đông – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả báo cáo tình hình triển khai dự án (Ảnh: Đèo Cả)
Liên quan đến tiến độ tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, ông Nguyễn Tấn Đông - Phó Chủ tịch HĐQT Đèo Cả báo cáo, nhằm tranh thủ thời tiết khô ráo, đơn vị thi công tổ chức 78 mũi thi công, huy động 1.955 kỹ sư, nhân công và 900 thiết bị. Hiện, sản lượng thi công dự án đạt 975/6.580 tỷ đồng, phấn đấu hết năm 2025 đạt 5.062 tỷ đồng.
Các khó khăn của dự án đến từ công tác giải phóng mặt bằng, bãi đỗ thải, nguồn vật liệu và nhân lực phục vụ thi công. Ngoài ra, khó khăn trong tình trạng đẩy giá nguyên vật liệu cũng được lãnh đạo Tập đoàn đề cập.
Nhà đầu tư và các nhà thầu đặt mục tiêu hoàn thành thông tuyến lớp bê tông nhựa vào cuối tháng 12/2025, thông xe vào tháng 6/2026 và hoàn thành toàn bộ dự án vào 2/9/2026, vượt tiến độ khoảng 3 tháng so với kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh lưu ý, trước thời điểm 30/6/2025, toàn bộ công tác hạng mục đào đắp, nền đường và khoan cọc phải hoàn thành để tránh tác động của mưa lũ. Trong tháng 9, các đoạn đường cao tốc qua huyện Chi Lăng, Lạng Sơn phải cơ bản thông xe kỹ thuật.
Về tiến độ tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, nhằm đảm bảo mục tiêu thông tuyến trong năm 2025, đại diện nhà đầu tư cho biết, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã huy động hơn 2.200 nhân sự cùng 1.141 máy móc, thiết bị, triển khai 216 mũi thi công trên toàn tuyến. Đến nay, sản lượng thi công dự án đạt 2.409/10.438 tỷ đồng.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả báo cáo tình hình triển khai dự án (Ảnh: Đèo Cả)
Đối với công tác GPMB, tỉnh Cao Bằng đã bàn giao 757,4/820,9 ha. Nhằm gia tăng sản lượng và chủ động mặt bằng, nhà đầu tư và nhà thầu đã tạm ứng chi phí đền bù đất cho người dân, sớm có mặt bằng để triển khai thi công. Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị UBND hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh hai dự án trong tháng 4/2025 và ký phụ lục hợp đồng dự án trong tháng 5/2025.
Đồng thời, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Đèo Cả kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam làm việc với địa phương và nhà đầu tư để đảm bảo yêu cầu sớm triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến, bảo đảm hoàn thành đồng thời với việc thông tuyến trong năm 2025 để tránh bất cập, lãng phí.
Tại buổi công tác, ông Trần Hồng Minh đề nghị hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng, đồng thời giải quyết dứt điểm những vướng mắc về nguồn vật liệu, bãi đổ thải, di dời hạ tầng kỹ thuật của cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trước ngày 30/4/2025.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu nhà đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, máy móc thiết bị để đẩy nhanh thi công. Các đơn vị tư vấn giám sát phải bám sát nhiệm vụ để đảm bảo tiến độ nhưng phải gắn liền với chất lượng công trình. Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh mục tiêu thông tuyến 2 dự án trong tháng 12/2025 và khởi công giai đoạn 2 cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào dịp 2/9 tới đây.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 93,35 km, tổng mức đầu tư 14.114 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 của dự án mở rộng toàn bộ 93,35 km giai đoạn 1, đồng thời làm mới 27,71 km đường cao tốc kết nối lên đến cửa khẩu Trà Lĩnh; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.295 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 59,87km, bao gồm tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng dài khoảng 43,43km và tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 16,44km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.