TikTok, ứng dụng video ngắn của kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance với hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu, đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình đẩy mạnh mở rộng ra toàn cầu sau sự ra đi của các Giám đốc điều hành chính và việc giám sát mới đối với các hoạt động thu thập dữ liệu của ứng dụng này, theo South China Morning Post.
David Ortiz, người đứng đầu bộ phận sản phẩm kiếm tiền của TikTok có trụ sở tại New York, mới đây đã viết trên LinkedIn rằng vai trò của ông “đã bị loại bỏ trong một nỗ lực tái cơ cấu của công ty”.
Ortiz, một cựu nhân viên Salesforce và Snap, đã gia nhập TikTok vào năm 2020 với tư cách là một trong những người đầu đầu tiên của công ty có trụ sở tại Bắc Kinh làm việc bên ngoài Trung Quốc, giữ vai trò xây dựng đội ngũ nhân viên kỹ thuật và quản lý sản phẩm quốc tế.
Bài đăng của ông Ortiz đến ngay sau báo cáo của Wired liên quan tới việc TikTok đã cảnh báo một số nhân viên tại Anh và Mỹ về một đợt cắt giảm quy mô lớn sắp tới. Các nhân viên TikTok đang làm việc tại châu Âu được cho là mong đợi các cuộc gặp gỡ với nhóm lãnh đạo trong tuần tới, theo trích dẫn từ các báo cáo.
Những thay đổi về nhân sự cũng đã diễn ra ở các cấp cao hơn. Tuần trước, TikTok thông báo rằng Roland Cloutier sẽ từ chức Giám đốc an ninh toàn cầu và chuyển sang vai trò cố vấn chiến lược vào tháng 9.
TikTok hiện chưa đưa ra bình luận, nhưng phát ngôn viên Anna Sopel đã nói với chuyên trang công nghệ Wired rằng công ty thường có các đợt điều chỉnh nhân sự để phù hợp với các mục tiêu của mình. “Có một số lượng nhỏ các vai trò trong các nhóm hoạt động và tiếp thị đã thay đổi trọng tâm. Điều này không thể gọi là tái cấu trúc toàn công ty”, phát ngôn viên Anna Sopel chia sẻ.
Các nước phương Tây lo ngại quyền bảo mật dữ liệu của TikTok
Những động thái này diễn ra khi mối lo ngại lại bùng lên về các hoạt động bảo mật dữ liệu của TikTok tại các thị trường nước ngoài quan trọng. Tuần trước, cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italy cho biết TikTok có thể đã vi phạm các quy tắc của Liên minh Châu Âu khi phân phối quảng cáo được nhắm mục tiêu mà không có sự đồng ý của người dùng. Một đại diện của TikTok đã cho biết công ty “cố gắng xây dựng trải nghiệm được cá nhân hóa” và “cam kết tôn trọng quyền riêng tư của người dùng”.
Tuần này, công ty an ninh mạng Internet 2.0 của Australia đã cáo buộc TikTok thu thập một lượng dữ liệu người dùng "quá mức". Các nhà nghiên cứu cho biết ứng dụng kiểm tra vị trí thiết bị ít nhất một lần/giờ, liên tục tìm kiếm quyền truy cập vào danh bạ ngay cả khi người dùng từ chối các yêu cầu trước đó,…
Trả lời báo cáo của Australian Financial Review về những phát hiện này, TikTok cho biết công ty “không phải là đơn vị duy nhất thu thập thông tin người dùng, thậm chí TikTok còn thu thập ít hơn nhiều so với các ứng dụng phổ biến khác”.
Các chính trị gia Australia cũng đặt câu hỏi về việc bảo vệ dữ liệu người dùng ở nước ngoài của TikTok sau khi Giám đốc điều hành Chew Shou Zi thừa nhận trong một email nội bộ rằng nhân viên tại Trung Quốc đã xóa các giao thức bảo mật nội bộ có thể truy cập thông tin nhất định về người dùng tại Mỹ, bao gồm cả video và bình luận công khai, mặc dù Bloomberg báo cáo rằng không có dữ liệu nào được chia sẻ với chính phủ Trung Quốc.
Tại Mỹ, người đứng đầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Brendan Carr đã công khai yêu cầu Apple và Google xóa TikTok khỏi các kho ứng dụng của họ, cáo buộc rằng ứng dụng này gây ra rủi ro về an ninh quốc gia do thu thập dữ liệu trên diện rộng.
Để giải quyết những lo ngại đó, TikTok đã thành lập một bộ phận mới có tên là Bảo mật dữ liệu tại Mỹ với mục đích “giảm thiểu quyền truy cập của nhân viên vào dữ liệu người dùng tại Mỹ và giảm thiểu việc truyền dữ liệu giữa các khu vực, bao gồm cả đến Trung Quốc”, Michael Beckerman, một lãnh đạo cấp cao của TikTok cho biết.
Điều này đánh dấu một làn sóng giám sát mới đối với TikTok, thứ đã bắt đầu vào năm 2020, khi Tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Donald Trump đe dọa sẽ cấm ứng dụng này trừ TikTok bán chi nhánh tại Mỹ cho một doanh nghiệp địa phương. Người kế nhiệm ông Donald Trump, Tổng thống Joe Biden sau đó đã thu hồi các sắc lệnh liên quan tới TikTok.
Để trấn an các nhà chức trách và người dùng, TikTok trước đây cho biết họ có kế hoạch thành lập bộ phận gọi là trung tâm minh bạch ở Los Angeles, Washington và Dublin để giải thích mã nguồn của ứng dụng và cách thức hoạt động của thuật toán.
TikTok cũng đã nhiều lần nói rằng dữ liệu người dùng của họ được lưu trữ cục bộ, với các bản sao lưu ở Singapore. Vào tháng 6, công ty cho biết họ đang bắt đầu chuyển tất cả dữ liệu của người dùng Mỹ sang các máy chủ do Oracle kiểm soát.