Theo báo cáo kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa; thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu đồng thời xuống giống lúa vụ thu đông. Chăn nuôi phát triển ổn định. Hoạt động sản xuất lâm nghiệp diễn ra tương đối thuận lợi, khai thác gỗ được triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn thời tiết ngư trường không thuận lợi cho đánh bắt xa bờ.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,2%. Tính chung 8 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 26,6%; Hà Tĩnh giảm 15%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2022 tăng 0,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 23,2% so với cùng thời điểm năm trước.
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong tháng 8 cả nước có 11.900 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 4,5% so với tháng trước; tăng 106,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cả nước còn có gần 6.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 177,8% so với tháng trước và tăng 67,1% so với cùng kỳ năm 2021; có 3.756 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 28,9% và tăng 20,5%; có 4.453 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,8% và tăng 77,3%; có 1.953 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,5% và tăng 140,5%.
Tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước có 149.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 104.300 doanh nghiệp, tăng 22%; bình quân một tháng có 13.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Về đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 ước đạt 48.300 tỷ đồng, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 285.400 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 48,6% và giảm 0,7%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,78 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm 2022 có 75 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 344,8 triệu USD, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 50,9 triệu USD, giảm 88%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 395,8 triệu USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 481.200 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 3,5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%).
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 82,1 tỷ USD.
Tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,005% so với tháng trước; tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,64%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Hoạt động vận tải trong tháng 8 đạt kết quả tích cực. Trong đó, vận chuyển hành khách gấp 4,4 lần và luân chuyển hành khách gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa duy trì đà phát triển với sản lượng vận chuyển tăng 58,6% và luân chuyển tăng 68,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 29,8% và luân chuyển hành khách tăng 51,6% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 20,6% và luân chuyển hàng hóa tăng 28%.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8 đạt 486.400 lượt người, tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.441 nghìn lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.