Tài chính

IMF và WB vừa họp suốt 1 tuần: Có gì cần lưu ý?

IMF và WB vừa họp suốt 1 tuần: Có gì cần lưu ý? - Ảnh 1.

Diễn ra ở thành phố Marrakech, Ma-rốc, quốc gia vừa trải qua trận động đất thảm khốc, hội nghị của IMF và WB tập trung quanh triển vọng kinh tế thế giới đang bị đè nặng bởi nợ, lạm phát và xung đột, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia ngày càng tăng. Cùng với đó là những “lúng túng” trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Triển vọng mới của IMF, được đưa ra trước thời điểm xung đột Israel – Hamas, cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại từ 3,5% xuống 3% trong năm nay và xuống còn 2,9%, giảm 0,1% so với ước tính trước đó, vào năm 2024.

Lạm phát toàn toàn cầu dự kiến giảm từ 6,9% trong năm nay nhưng vẫn ở mức cao 5,8% trong năm tới. Các ngân hàng trung ương phát tín hiệu ngừng tăng lãi suất nếu tình hình cho phép đồng thời hy vọng lạm phát cuối cùng có thể về ngưỡng mục tiêu mà không khiến nền kinh tế “hạ cánh cứng”.

Hầu hết các quan chức tham gia hội nghị đều đồng tình rằng vẫn còn quá sớm để nói rằng xung đột tại Trung Đông sẽ ảnh hưởng ra sao tới kinh tế toàn cầu.

Khoản vay của các nền kinh tế lớn, từ Mỹ tới Trung Quốc hay Italy, là những chủ đề thường xuyên được nhắc tới những tuần gần đây, đẩy lãi suất trái phiếu Mỹ lên cao hơn.

Trong khi đó, Vitor Gaspar, người đứng đầu bộ phận tài chính của IMF, nói rằng các khoản trợ cấp mà các nước dành cho năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu sẽ không mang lại lượng phát thải ròng bằng 0 trong khi việc gia tăng quy mô sẽ khiến nợ công “bùng nổ”.

Ngoài các nước phát triển, trong kỷ nguyên lãi suất cao, đồng USD mạnh và những bất ổn địa chính trị xảy ra ở nhiều nơi đang gây thách thức cho phần còn lại của thế giới. Các quốc gia, từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Sri Lanka đều dang tìm giải pháp cho vấn đề của chính mình khi lạm phát và chi phí đi vay cao.

IMF cảnh báo lãi suất cao sẽ đẩy những quốc gia đi vay vào tình trạng bấp bênh hơn. Ước tính cho thấy khoảng 5% số ngân hàng trên toàn cầu dễ rơi vào tình trạng căng thẳng khi lãi suất được duy trì ở mức cao trong thời gian dài và hơn 30% số ngân hàng, bao gồm cả các ngân hàng lớn nhất thế giới, cũng sẽ dễ bị tổn thương nếu kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài và lạm phát cao.

Trong khi đó, sự chia rẽ của thế giới vẫn là vấn đề. Việc tìm tiếng nói chung đang ngày càng khó hơn.

Tham khảo: CNBC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm