Công nghệ

Huawei tiếp tục đặt cược vào smartphone 4G

Điểm nhấn của bộ ba P60 series vẫn là camera. Tuy nhiên, thay vì sử dụng cụm tròn như trên P50 hay điện thoại nắp gập P50 Pocket, hãng thiết kế camera mới theo hướng hài hòa và đẹp mắt hơn gọi là Aurora Eye. Riêng P60 Art có camera độc đáo hơn dạng "ốc đảo".

Huawei P60 Art với cụm camera độc đáo. Ảnh: Huawei

Huawei P60 Art với cụm camera "ốc đảo". Ảnh: Huawei

Cụm này chứa cảm biến chính được đặt ở giữa với độ phân giải 48 megapixel, chống rung quang OIS. Đặc biệt, đây là camera di động đầu tiên có khẩu độ vật lý 10 cấp, từ f1.4 đến f4.0, cho phép chụp ảnh phù hợp ở nhiều điều kiện khác nhau.

Trong khi đó, ống tele dạng tiềm vọng với cảm biến RYYB 48 megapixel f/2.1 "siêu lấy nét vào ban đêm". Ống kính được giới thiệu là cho khả năng zoom tốt nhất trên smartphone hiện nay, đạt phạm vi thu phóng 200x (từ 13 mm đến 2.700 mm), cao gấp đôi so với mức 100x trên Galaxy S23 Ultra.

Ngoài ra, cụm camera còn có ống góc siêu rộng 13 megapixel. Toàn bộ giúp P60 của Huawei trở thành dòng smartphone có camera vượt trội so với phần còn lại của thị trường xét về thông số kỹ thuật.

P60 và P60 Pro được trang bị pin 4.815 mAh, còn bản P60 Art là 5.100 mAh. Bản P60 Pro và P60 Art hỗ trợ sạc nhanh có dây 88 W, bản P60 thấp hơn với 66 W. Máy dùng chip Snapdragon 8+ Gen 1 chỉ có mạng 4G, RAM từ 8 GB, chạy hệ điều hành HarmonyOS 3.1 và hỗ trợ liên lạc vệ tinh hai chiều.

Cụm camera trên bản P60 và P60 Pro có thiết kế giống nhau. Ảnh: Huawei

Cụm camera trên bản P60 và P60 Pro có thiết kế giống nhau. Ảnh: Huawei

Khi 4G vẫn là "chân ái"

Không còn những sự kiện hoành tráng và được tổ chức ở nước ngoài như trước, dòng P60 được Huawei ra mắt tại Thượng Hải ngày 23/3 với ngôn ngữ trình bày hoàn toàn bằng tiếng Trung. Theo WSJ, đây được xem là dấu hiệu cho thấy hãng không còn tham vọng mở rộng thị trường quốc tế như trước, ít nhất là ở mảng smartphone. Những thiết bị vừa trình làng chỉ được bán tại quê nhà, nơi vẫn ủng hộ Huawei kể từ sau lệnh cấm của Mỹ cách đây gần bốn năm.

Huawei từng thường xuyên nằm trong top năm hãng điện thoại hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, lệnh cấm năm 2019 khiến công ty đi xuống nhanh chóng. Theo Canalys, thị phần của Huawei đứng ở mức 2% vào năm ngoái. Hầu hết doanh số là ở Trung Quốc.

Để tồn tại, Huawei đang dần thay thế công nghệ nước ngoài bằng linh kiện nội địa. Trong bài phát biểu ở Đại học Giao thông Thượng Hải được công bố ngày 17/3, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi tiết lộ hãng đã thay thế hơn 13.000 linh kiện bị Mỹ cấm vận và chỉnh sửa 4.000 mạch in trên thiết bị trong vòng ba năm qua. Ông nhấn mạnh dây chuyền sản xuất mạch in của Huawei hiện đã " ổn định", toàn bộ linh kiện bị cấm đã được chuyển sang sản phẩm nội địa.

Đầu tháng 3, Richard Yu, đứng đầu bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei, đăng trên mạng xã hội Trung Quốc một bức ảnh zoom vào mặt trăng, được chụp ban đêm trên đỉnh một tòa nhà và ghi chú "chụp bằng P60 Pro". Trước đây, khi ra mắt P50, ông cũng nói về thế mạnh nhiếp ảnh, nhưng nhấn mạnh kết nối 4G của Huawei vẫn mạnh mẽ khi kết hợp với trí tuệ nhân tạo và công nghệ khác.

"Đối với nhiều người, 5G chưa không đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng của họ như 4G trước đây", Nicole Peng, nhà phân tích của Canalys, cho biết lý do smartphone Huawei vẫn phổ biến tại Trung Quốc. "Nhiều người vẫn dùng điện thoại 4G vì họ không thực sự nhận thấy sự khác biệt so với 5G".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm