Thời sự

HSBC: Ngoại trừ giá gạo ổn định, giá thịt lợn, dầu ăn đến rau củ đều tăng, Việt Nam cần lưu ý lạm phát lương thực

Trong báo cáo mới công bố, HSBC cảnh báo Việt Nam cần lưu ý lạm phát lương thực dù lạm phát toàn phần ở mức vừa phải.

Trong tháng 7, lạm phát toàn phần tăng 0,4% so với tháng trước, tương đương với 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, gần như khớp với dự báo của HSBC nhưng hơi thấp so với dự báo chung của thị trường

Theo HSBC, đà lạm phát giảm nhẹ trong tháng 7 do chi phí vận tải giảm. Một phần là do giá dầu giảm nhưng nguyên nhân cũng bao gồm việc giảm thuế môi trường đối với các loại nhiên liệu khác nhau vào đầu tháng 7, với thuế xăng và diesel giảm một nửa xuống mức tương ứng 1.000 đồng/lít và 500 đồng một lít.

Tuy nhiên, thực phẩm tiếp tục gây bất ngờ với mức tăng 1,4% so với tháng trước. Ngoại trừ giá gạo ổn định, các mặt hàng khác đều tăng giá đáng kể, từ thịt lợn và dầu ăn đến rau củ, do chi phí vận chuyển và thức ăn chăn nuôi cao hơn. Ngoài lương thực, lạm phát cơ bản tiếp tục phục hồi, phản ánh tình hình tiêu dùng hộ gia đình được cải thiện.

 

 

Do đó, ngân hàng này cảnh báo mặc dù lạm phát tương đối thấp, nhưng Việt Nam vẫn cần theo dõi sát đà lạm phát. Theo các chuyên gia tại đây, áp lực lạm phát sẽ mạnh hơn bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, đẩy lạm phát toàn phần tạm thời vượt mức trần 4% của NHNN trong một vài quý.

Tình hình này làm dấy lên câu hỏi về thời điểm NHNN bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.

HSBC đánh giá NHNN Việt Nam là một trong số ít các ngân hàng trung ương châu Á chưa bắt đầu chu kỳ thắt chặt. Tuy nhiên, mặc dù giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,0%, nhưng lãi suất trên thị trường mở đã được đẩy lên 3,8% vào ngày 26/7, từ mức 2,5% trước đó.

"Trong bối cảnh Fed đang tiếp tục thắt chặt, chúng tôi tin rằng động thái này là một tín hiệu theo hướng thắt chặt, nhưng trước hết bằng cách rút bớt thanh khoản. Chúng tôi kỳ vọng quý III sẽ là thời điểm bắt đầu chu kỳ thắt chặt của NHNN, có thể là 50 điểm", HSBC dự báo.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm