Ngày 18/4, Sở Giao dich Chứng khoán TP HCM (HOSE) có quyết định đưa hàng loạt cổ phiếu vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/4, trong đó có nhiều mã đáng chú ý như cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland); HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát; IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings; TVB của CTCP Chứng khoán Trí Việt; POM của CTCP Thép Pomina; TTB của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ.
Nguyên nhân bị đưa vào diện cảnh báo là do các tổ chức niêm yết trên chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, cùng nguyên nhân trên, HOSE cũng đưa vào diện cảnh bảo kể từ ngày 25/4 đối với các mã HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP; LDG của CTCP Đầu tư LDG; AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang; HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; ABS của CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận.
Trước đó, tất cả các cổ phiếu kể trên đều đã bị HOSE đưa vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) trong quý II. Theo quy định, nhà đầu tư sẽ không được sử dụng margin do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua các cổ phiếu có trong danh sách này.
Cuối tháng 3, Novaland đã có công văn xin gia hạn báo cáo tài chính năm 2022 kiểm toán với thời hạn dự kiến ngày 15/4. NVL cho biết hiện công ty đang sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời đang từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp. Đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian tiến hành các thủ tục kiểm toán và thu thập, đánh giá thêm các thông tin liên quan để có thể hoànt hành kiểm toán báo cáo tài chính của Novaland.
báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Novaland công bố ngày 17/4, công ty ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất gần 11.151 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2021, và hoàn thành hơn 30% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 2.182 tỷ đồng, giảm gần 37%, hoàn thành 33% kế hoạch.
Bên cạnh đó, mặc dù không đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhưng PWC lưu ý đến ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp đến tình hình hoạt động kinh doanh của tập đoàn, và Novaland đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu.
Giả định về hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng công ty có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Những điều kiện này, cùng những vấn đề khác được nêu trong báo cáo, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Giải trình về điều này, Novaland cho biết, tại ngày 31/12/2022, tập đoàn đang có 5.537 tỷ đồng đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng cho vay. Tập đoàn đang đàm phán với các ngân hàng để giải phóng số tiền đang bị giới hạn sử dụng không đúng theo hợp đồng tín dụng.
Tính đến ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, Novaland đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng về việc giải chấp số tiền 2.498 tỷ đồng. Số tiền còn lại đang trong quá trình thảo luận và Ban Tổng giám đốc cho rằng tập đoàn sẽ đạt được thỏa thuận với các ngân hàng còn lại.