Doanh nghiệp

Hơn 53% doanh nghiệp không có mục tiêu rõ khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Hơn 53% doanh nghiệp không có mục tiêu rõ khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh 1.

Diễn đàn đa phương 2022 với chủ đề "cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam - Ảnh: N.KH

Ngày 19-10, diễn đàn đa phương (MSF) 2022 với chủ đề "Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm tra soát" do Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cùng Samsung Việt Nam phối hợp tổ chức.

Nghiên cứu về "Năng lực động của doanh nghiệp Việt Nam: Hiện trạng, vị trí trong chuỗi giá trị và hàm ý cho hợp tác đa phương" được VCCI thực hiện đã chỉ ra, doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia tích cực trong chuỗi giá trị toàn cầu song giá trị gia tăng còn hạn chế.

Có tới hơn 51% đến từ việc tiêu thụ sản phẩm từ bên ngoài và chỉ có 11% đến từ việc cung cấp sản phẩm ra bên ngoài cho chuỗi cung ứng.

Đáng chú ý, hơn một nửa doanh nghiệp khảo sát trả lời (53,3%) không đặt mục tiêu gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tức là thiếu định hướng rõ ràng.

Những mục tiêu doanh nghiệp đặt ra chỉ nằm ở ý tưởng, mong muốn chứ chưa đi vào thực thi, khi có tới 64,7% chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, với độ mở cửa lớn và hội nhập sâu rộng, kinh nghiệm tham gia xuất nhập khẩu lâu năm, tình trạng thiếu chủ động, thiếu sự chuẩn bị của doanh nghiệp như hiện nay cho thấy việc tận dụng cơ hội để tạo ra bước nhảy vọt là khó khăn.

Đáng chú ý, khảo sát chỉ ra dường như doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung những khía cạnh thuộc "phần ngọn" của vấn đề, hơn là tập trung giải quyết các khía cạnh tiền đề, thuộc về năng lực nền tảng, tạo tác động dài hạn như xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng kết nối mạng lưới, tăng cường đáp ứng quy chuẩn và quản trị rủi ro…

Trên cơ sở khảo sát, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần xây dựng chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở các bên cùng ngồi với nhau để làm sao chính sách được hiệu quả, thiết thực. Có đánh giá tác động của chính sách, xây dựng nền tảng giúp cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp bố trí nguồn lực hợp lý trong nâng cao chuỗi giá trị, gồm đổi mới sáng tạo và thích ứng. Tìm kiếm nguồn hỗ trợ đa dạng, các tổ chức quốc tế, hiệp hội và doanh nghiệp trong cùng chuỗi, doanh nghiệp dẫn dắt.

Đánh giá về việc doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng, ông Choi Kyung Soo - phó tổng giám đốc phụ trách Trung tâm mua hàng của Samsung - cho biết đến nay các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung ứng các phụ kiện và bao bì, nhưng cũng như đang tiến tới đa dạng hóa việc cung cấp các sản phẩm công nghệ cao như linh kiện điện tử.

Tuy nhiên, để làm nhà cung ứng cho Samsung đòi hỏi năng lực cạnh tranh kinh doanh, như về giá cả, chất lượng, thời hạn, đảm bảo tính tuân thủ chặt chẽ, yêu cầu về an toàn môi trường và nhân quyền lao động.

Do đó, ông Choi Kyung Soo cho rằng việc nội địa hóa chuỗi cung ứng nguyên vật liệu rất quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trước những yêu cầu trên, thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.

Hơn 53% doanh nghiệp không có mục tiêu rõ khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh 2.





Cùng chuyên mục

Đọc thêm