Chia sẻ tại toạ đàm về tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội ngày 31/5, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoà Bình, cho biết gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào phân khúc nhà này.
Doanh nghiệp của ông sở hữu hai khu đất sạch (có sổ đỏ, hợp đồng thuê đất, đóng tiền đầy đủ hàng năm) tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) muốn dùng làm nhà ở xã hội.
Ông kể, khi gửi hồ sơ lên, thành phố đã đồng ý và chuyển ngay sang Sở Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết. Nhưng sau khi lấy ý kiến các đơn vị chức năng, có ý kiến cho rằng đây là khu đất vàng, đề nghị làm nhà ở thương mại.
"Tôi không hiểu sao luật khuyến khích, thành phố có chủ trương nhưng doanh nghiệp lại gặp khó khăn khi chuyển đổi từ đất xây nhà thương mại sang nhà ở xã hội", ông nói. Vừa qua, tức sau 500 ngày kể từ khi làm thủ tục, doanh nghiệp mới được cấp chủ trương. Khu đất còn lại đang trong tình trạng chờ được chấp thuận.
Trước đây, trong một số cuộc họp về chính sách phát triển nhà ở xã hội, không ít doanh nghiệp từng nói về vấn đề thủ tục bị kéo dài, với thời gian trên dưới 600 ngày với một dự án. Tuy nhiên, các chủ đầu tư kiến nghị nên rút ngắn xuống từ 90 đến 120 ngày.
GS Đặng Hùng Võ đánh giá, vướng mắc thủ tục hành chính là khó khăn lớn với các doanh nghiệp thiện nay. Thủ tục hành chính phức tạp thì nhà đầu tư sẽ bị tăng chi phí. Dự án nằm yên một ngày thì chi phí chuẩn bị cho đầu tư sẽ đọng lại, trong khi lãi suất tăng lên, ông nói.
Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng nhìn nhận, thủ tục, trình tự làm nhà ở xã hội hiện không khác gì nhà ở thương mại, thậm chí còn nhiều hơn. Nguyên nhân là, cơ quan quản lý có chính sách ưu đãi cho loại nhà này nên khi thiết kế chính sách sẽ yêu cầu có giải pháp, công cụ quản lý tránh tình trạng trục lợi, dẫn đến trình tự thủ tục đầu tư còn kéo dài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn gặp vướng mắc ở các nhóm vấn đề như quy định dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội; hay chính sách hỗ trợ chủ đầu tư. Ví dụ với chính sách hỗ trợ, ông cho biết, các quy định miễn tiền thuế sử dụng đất, giảm VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu tiên tiếp cận vốn vẫn chưa thực chất. Bởi, một dự án khi được áp dụng ưu đãi thì chủ đầu tư không được tính các chi phí này vào giá bán, tức bản chất là doanh nghiệp không được hưởng. Điều này dẫn đến việc không thu hút được chủ đầu tư tham gia vào phân khúc này.
Những vướng mắc trên, theo ông Hưng, đang được Bộ Xây dựng đề xuất tháo gỡ khi trình sửa đổi Luật Nhà ở tới đây.
Nói thêm, ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng phát triển đô thị Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, để đẩy nhanh tiến độ xây nhà ở xã hội, cần rút ngắn trình tự thủ tục hành chính. Ví dụ, trong trường hợp có đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thì cần có quy định riêng thay vì kéo dài tới 2 năm như hiện nay. Bên cạnh đó, ông lưu ý việc bãi bỏ các quy định, thủ tục không cần thiết.