Thông tin từ Báo Thanh Niên, tại họp báo Bộ Công an chiều 2/10, thiếu tướng Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng C03, cho hay cơ quan điều tra vẫn đang dùng mọi biện pháp để triệt để thu hồi tài sản, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư trong vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, CTCP Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan".
Phó Cục trưởng C03 thông tin trong vụ án này, Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 42.000 nhà đầu tư.
"Đây là số lượng bị hại rất lớn. Do vậy, cơ quan điều tra đã có ủy thác cho công an các tỉnh, thành phố làm việc với các bị hại. Đồng thời, qua cuộc họp báo này, chúng tôi đề nghị các nhà đầu tư sớm đến các cơ quan điều tra làm việc, giúp cơ quan điều tra hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu. Hơn 42.000 bị hại sẽ được bảo vệ quyền lợi.
Các nhà đầu tư do thiếu thông tin, bỏ ra số tiền rất lớn mua trái phiếu, có nhiều khoản tiền họ rất khó khăn mới có được. Do vậy, phương châm của cơ quan điều tra là sẽ bảo vệ bị hại, thu hồi triệt để bằng mọi biện pháp", thiếu tướng Thanh nói.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2018 đến năm 2020, các đối tượng có liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông, CTCP Đầu tư Quang Thuận, CTCP Dịch vụ Thương mại TP HCM, CTCP Đầu tư và Phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu mã: ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua, huy động tiền và chiếm đoạt.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an xác định những trái chủ đang sở hữu 25 mã trái phiếu do 4 công ty phát hành nêu trên là bị hại trong vụ án và đã ủy thác điều tra đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an các tỉnh/thành phố theo địa chỉ của trái chủ trên hợp đồng mua bán/chuyển nhượng trái phiếu tiếp nhận thông tin, lấy lời khai bị hại để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án, đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đề nghị người bị hại còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu trên khẩn trương đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an các tỉnh/thành phố (nơi người bị hại cư trú hoặc nơi phát sinh hợp đồng mua bán trái phiếu) phối hợp làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Theo thông báo của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, nếu người bị hại không đến làm việc, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu trước thời điểm kết thúc điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an không xem xét, giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các đối tượng có biểu hiện lợi dụng, đưa thông tin sai sự thật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xúi giục biểu tình, tập trung đông người tại các cơ quan, tổ chức có liên quan, gây mất trật tự xã hội.