Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 24/6, các tổ chức đã có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6 với giá trị 18.210 tỷ đồng.
Trong đó, đứng đầu về giá trị phát hành là nhóm ngân hàng thương mại với 15.790 tỷ đồng. Một số thương vụ có giá trị lớn như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam phát hành 4.500 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng TMCP Quân đội phát hành lần lượt là 4.460 tỷ đồng và 2.730 tỷ đồng.
Đứng thứ hai là nhóm doanh nghiệp tài chính với giá trị phát hành 1.100 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC có 3 đợt phát hành với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng.
Đối với mảng bất động sản, nhiều doanh nghiệp tiếp tục huy động vốn qua kênh này nhưCTCP Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) phát hành hơn 2.000 tỷ đồng, CTCP Hưng Thịnh Land gần 1.700 tỷ đồng,CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) phát hành 500 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Bất động sản Hưng Lộc Phát phát hành 150 tỷ đồng, ...
Tính từ đầu năm đến nay, giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ là 143.389 tỷ đồng, giảm 29,7% so với cùng kỳ. Chiếm phần lớn là trái phiếu có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm, chiếm ít nhất là trái phiếu có kỳ hạn trên 10 năm.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã sẵn sàng cho kế hoạch phát hành trái phiếu trong năm nay. Đơn cử như CTCP Chứng khoán Tiên Phong đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ lần 2 năm 2022 với tổng mệnh giá phát hành tối đa 500 tỷ đồng.
Công ty Tài Chính Cổ phần Điện Lực đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo lãnh thanh toán một phần với giá trị phát hành không quá 1.800 tỷ đồng với kỳ hạn tối đa 10 năm.
Hay như CTCP Fecon đã phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ tối đa 150 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11% mỗi năm.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chínhHồ Đức Phớc, hiện nay quy mô trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam khoảng 1,374 triệu tỷ đồng, chỉ chiếm 15% GDP. So với mục tiêu chiến lược đặt ra năm 2025 phải đạt được 20% GDP, đến năm 2030 phải đạt 25% thì thị trường này vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
So với các nước xung quanh, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đang ở mức thấp. Vì vậy, Chính phủ có chủ trương phát triển thị trường chứng khoán và trái phiếu một cách bền vững. Việc huy động của các doanh nghiệp phải đúng pháp luật, minh bạch, không được lợi dụng để sử dụng vốn sai mục đích.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định không có chủ trương nào về việc siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp bởi đây là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, bên cạnh dòng vốn từ các ngân hàng thương mại.
Song,sự phát triển nóng của kênh trái phiếu doanh nghiệp trong khoảng ba năm gần đây đã bắt đầu lộ diện nhiều rủi ro và rủi ro này càng lớn dần khi khối lượng trái phiếu đến hạn kể từ giữa năm nay đến năm 2023 ước khoảng 540.000 tỷ đồng, đè nặng áp lực trả nợ của các doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đã tổng hợp các hiện tượng tiềm ẩn rủi ro, có dấu hiệu “lách” quy định trong quá trình kiểm tra tại ác doanh nghiệp và một số tổ chức cung cấp dịch vụ về trái phiếu trong năm 2021, từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát thị trường, bao gồm việc sửa đổi quy định tại Nghị định 153, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện các chính sách liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ, giao dịch TPDN riêng lẻ và tăng cường hoạt động thanh kiểm tra tại các công ty chứng khoán, NHTM, doanh nghiêp nghiệp phát hành và các trung gian khác.
Về quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153, Bộ Tài chính cho biết sẽ quy định chặt chẽ hơn điều kiện phát hành nhằm hạn chế doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây mất an toàn hoạt động, ảnh hưởng khả năng thanh toán gốc, lãi của doanh nghiệp.