Thông tin tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại diễn ra vào chiều ngày 6/7, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến hết ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% so với cuối năm 2021 và cao hơn cùng kỳ năm trước (6,9%). Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 4,09%). Tín dụng tập trung cho lĩnh vực kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng vào lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Cũng theo ông Tú, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ cho 709.000 tỷ đồng. Tổng số tiền miễn giảm lãi cho khách hàng đến nay đạt trên 50.000 tỷ đồng.
Trước đó, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong vòng 20 ngày cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã tăng mở rộng thêm 1,2 điểm %, tương với quy mô gần 125.330 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng trong tháng 6 là tương đương so với tháng 4 và tháng 5. Dù vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, tốc độ tăng của tín dụng đã chậm lại rõ rệt trong quý II (5,97% tới cuối tháng 3; 6,75% tới cuối tháng 4; 8,04% tới cuối tháng 5 và 9,35% vào cuối tháng 6).
Theo giới phân tích, việc các NHTM đều tiến sát tới mức ''room'' tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm nhiều khả năng là lý do chính khiến cho khả năng cho vay thêm của các NHTM giảm xuống, làm tăng trưởng tín dụng chững lại, đồng thời kéo theo việc lãi suất liên ngân hàng tiếp tục duy trì mặt bằng thấp trong các tuần gần đây.
Trong khi SSI Research cho rằng tín dụng tăng chậm lại một phần là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn chững lại (giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được tính trong tăng trưởng tín dụng). Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm, và do vậy giải ngân tín dụng mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn.