Hội nghị do Hội Hóa học và Độc học môi trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trường đại học Auburn, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và ICISE phối hợp tổ chức, với sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ 19 quốc gia trên thế giới.
Hội nghị nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm quản lý, thảo luận về các vấn đề môi trường, và tiếp tục củng cố sự hợp tác cho nghiên cứu và giáo dục giữa các nhà khoa học ở các nước phát triển và đang phát triển.
Nội dung của hội nghị lần này xoay quanh nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm do hóa chất, chất dinh dưỡng, sử dụng nhựa và các khí thải công nghiệp khác.
Chương trình hội nghị sẽ diễn ra đến ngày 7-3, bao gồm 3 chương trình đào tạo ngắn, 8 phiên hội thảo xoay quanh nhiều chủ đề, với gần 50 bài tham luận của các nhà khoa học và quản lý.
Trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra phiên đối thoại giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các nhà khoa học trong nước và quốc tế, nhằm trao đổi thông tin về một số vấn đề môi trường nổi bật tại Việt Nam và thiết lập mạng lưới liên kết, hợp tác quốc tế bảo vệ môi trường.
Có mặt tại hội nghị, ông Olivier Brochet - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam - cho biết biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường là những đe dọa không biên giới.
Năm 2022, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,15 độ C so với mức tiền công nghiệp. Mực nước biển có thể tăng lên 1 mét vào cuối thế kỷ. Các loài động vật và thực vật đang biến mất với tốc độ chưa từng có.
"Pháp sẵn lòng hợp tác với Việt Nam và các quốc gia khác tìm giải pháp để tăng tốc quá trình loại bỏ than đá trong khuôn khổ của chương trình tăng tốc chuyển đổi than đá.
Để đạt được những mục tiêu này, nhằm bảo vệ hành tinh của chúng ta, chúng ta cần đổi mới, tăng cường nỗ lực để phát triển giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp, hóa học, sinh học, y tế và nhiều lĩnh vực khác nữa…", ông Olivier Brochet nói.