Bảy bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử gồm: Ông Nguyễn Chiến Thắng (SN 1955), Lê Đức Vinh (SN 1965, đều là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Đào Công Thiên (SN 1962, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh), Lê Mộng Điệp (SN 1955), Võ Tấn Thái (SN 1961, đều là cựu Giám đốc Sở TN-MT), Lê Văn Dẽ (SN 1962, cựu Giám đốc Sở Xây dựng) và Trần Văn Hùng (SN 1958, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, thuộc Sở TN-MT) bị truy tố tội “ Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo quy định tại khoản 3 Điều 229 BLHS với khung hình phạt 5-12 năm tù. Trong số này, bị cáo Trần Văn Hùng được tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú, 6 người còn lại đang bị tạm giam.
Núi Chín Khúc bị băm nát bởi 2 dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Biệt thự sông núi Vĩnh Trung. Ảnh: CÔNG HOAN
Theo quyết định của TAND tỉnh Khánh Hòa, phiên toà có 2 thẩm phán là ông Nguyễn Văn Tuấn (chủ toạ phiên toà) và ông Nguyễn Tuấn Long, 2 thư ký là ông Nguyễn Hoàng Đạt và bà Nguyễn Cao Thanh Tâm. Đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa tham gia tố tụng phiên toà là ông Hoàng Anh Trí và Lê Hoàng Long. TAND tỉnh Khánh Hòa cũng triệu tập 2 người làm chứng và 4 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó có ông Nguyễn Khánh Hòa - Giám đốc Cty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa (gọi tắt Cty Khánh Hòa, chủ đầu tư 2 dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung).
Theo TAND tỉnh Khánh Hoà, tham gia bào chữa cho các bị cáo tổng cộng có 16 luật sư trong đó bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) có 2 LS bào chữa là LS Phan Trung Hiếu và LS Phan Trung Hoài (đều thuộc Đoàn Luật sư TPHCM; bị cáo Lê Đức Vinh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) có 4 LS bào chữa gồm LS Vũ Như Hảo và LS Phan Thị Ngọc Hà (đều thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), LS Bùi Quang Nghiêm và LS Trần Mỹ Loan (đều thuộc Đoàn Luật sư TPHCM).
NHIỀU SAI PHẠM TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI
Ông Nguyễn Chiến Thắng (trên) và ông Lê Đức Vinh lúc còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: CÔNG HOAN
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2012-2015, Cty Khánh Hòa được UBND tỉnh cấp phép làm chủ đầu tư 2 dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Biệt thự sông núi Vĩnh Trung. Ông Thắng và ông Vinh khi còn đương chức đã ký nhiều văn bản, chỉ đạo các sở ngành giao và chuyển mục đích sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật cho doanh nghiệp thực hiện hai dự án trên, phá vỡ quy hoạch khu vực núi Chín Khúc.
Cơ quan chức năng xác định, tại dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, Công ty Khánh Hòa chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh tăng diện tích đất, nhu cầu sử dụng đất... Nhưng ngày 3/4/2012, ông Thắng (với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh) đã ký văn bản cho phép tăng từ 123 lên 513 ha, điều chỉnh tăng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thêm 1,7 ha. Trong sai phạm này, các ông Thiên, Điệp, Thái và Hùng có vai trò tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ký các văn bản liên quan. Hành vi của ông Thắng và cấp dưới cùng các cán bộ sở ngành đã vi phạm các quy định về Luật Đất đai và các quy định khác.
Đối với dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc, ngày 22/6/2011, Cty Khánh Hòa có văn bản xin chuyển mục đích sử dụng đất của dự án. Sau khi được ông Lê Mộng Điệp (Giám đốc Sở TN-MT), ông Lê Văn Dẽ (Giám đốc Sở Xây dựng) tham mưu, ngày 15/8/2012, ông Lê Đức Vinh (với tư cách là Phó chủ tịch UBND tỉnh) đã ký quyết định, cho phép doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng 196.194m2 từ đất rừng sản xuất sang đất ở và đất có mục đích công cộng để thực hiện dự án.
Theo Viện KSND Khánh Hòa, ông Vinh đã ký các quyết định giao đất vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, giao đất khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất, giao đất trên thực địa trước khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính; giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã chặt hạ cây xanh, đào xới, san lấp... phá vỡ cảnh quan, quy hoạch khu vực núi Chín Khúc. Nhận thấy có nhiều thiếu sót trong quản lý Nhà nước tại các dự án trên núi Chín Khúc, năm 2019 ông Vinh đã cấp tốc yêu cầu dừng dự án và nhà đầu tư phải trồng cây, phủ xanh các khoảng trống bị “băm nát”. Hiện chủ đầu tư đã trả lại 370 ha đất khoanh nuôi tái sinh, phục hồi môi trường rừng.