Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XV chính thức khai mạc hôm nay (23-10) và dự kiến bế mạc vào ngày 29-11 theo hình thức họp tập trung tại Nhà QH, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp được tổ chức làm hai đợt, trong đó đợt 1 kéo dài 15 ngày (từ ngày 23-10 đến 10-11) và đợt 2 kéo dài bảy ngày (từ ngày 20 đến 28-11).
Thông qua chín luật, cho ý kiến tám luật
Về công tác lập pháp, kỳ họp sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án luật khác. Cụ thể, 9 dự án luật QH sẽ xem xét, thông qua gồm các luật: Đất đai (sửa đổi); Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Nhà ở (sửa đổi), Tài nguyên nước (sửa đổi); Viễn thông (sửa đổi); Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; CCCD (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Về Luật Đất đai (sửa đổi), Văn phòng QH cho biết đến thời điểm này dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều (bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều so với dự thảo luật đã trình QH tại kỳ họp thứ năm).
Liên quan đến Luật CCCD (sửa đổi), ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho hay Chính phủ đề xuất đổi tên thành Luật Căn cước. Đến thời điểm này, đa phần ý kiến đồng tình với quan điểm của Chính phủ lấy tên là Luật Căn cước và dự thảo luật cũng đang được chỉnh lý theo hướng này để trình QH xem xét. “Dự án luật “đã thiết kế, tính cách” để không tác động đến xã hội, tránh phát sinh chi phí, thủ tục không cần thiết” - ông An khẳng định.
Ngoài ra, QH xem xét, cho ý kiến tám dự án luật, bao gồm các luật: BHXH (sửa đổi); Lưu trữ (sửa đổi); Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Đường bộ; Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Thủ đô (sửa đổi); Tổ chức TAND (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Kỳ họp thứ sáu sẽ xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Trong ảnh: Quang cảnh khai mạc kỳ họp thứ năm của Quốc hội. Ảnh: TP
Trong số này, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thủ đô. Qua đó, đưa Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Nhờ đó, thủ đô sẽ có sự hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).
Xem xét, quyết sách nhiều nội dung quan trọng
Cùng với đó, kỳ họp cũng xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và tiến hành giám sát các vấn đề quan trọng khác. Cụ thể, kỳ họp sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, các báo cáo công tác tư pháp. Đặc biệt kỳ họp sẽ dành ba ngày làm việc để tiến hành phiên chất vấn và 1,5 ngày cho công tác 1,5 ngày cho công tác lấy phiếu tín nhiệm.
Kỳ họp sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của QH về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Đáng chú ý tại kỳ họp này, QH sẽ cho ý kiến về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của trung ương, thời gian dự kiến thực hiện từ ngày 1-7-2024. Ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội, cho biết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã ban hành nghị quyết và giao Chính phủ trình QH tiến độ cải cách tiền lương.
Theo kết luận Hội nghị Trung ương 8, lộ trình thực hiện sẽ từ ngày 1-7-2024, với tinh thần, quan điểm thực hiện sáu nội dung Nghị quyết 27 của trung ương về cải cách tiền lương. Trong đó, xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và ba bảng lương cho lực lượng vũ trang.
Đồng thời sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay; chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.
Về nguồn kinh phí để cải cách tiền lương, ông Quý cho hay Chính phủ báo cáo hội nghị trung ương nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2024-2026. Sau năm 2024, tức là từ năm 2025 thực hiện tăng có lộ trình 5%-7%. Lộ trình tăng lương đảm bảo mức lương phù hợp tiệm cận khu vực I của tư nhân.