Bất động sản

Hồi sinh các ‘dòng sống chết’, Hà Nội vận hành Nhà máy hơn 16.000 tỷ đồng

Ý tưởng giải cứu những dòng sông “chết”

Tình trạng ô nhiễm các dòng sông trên địa bàn Thủ đô, không phải bây giờ mới được đề cập. Danh sách những dòng sông “chết” đang có nguy cơ kéo dài ra, với sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Lừ.

Ý tưởng giải cứu những dòng sông “chết” ở Hà Nội đã được bàn nhiều lần, trong các hội thảo về môi trường lẫn trên diễn đàn của HĐND thành phố và trên nghị trường Quốc hội. Nhiều đề án, dự án đã, đang được tiến hành với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư. Nhưng hầu như tất cả vẫn “giậm chân tại chỗ”. Đơn cử như sông Tô Lịch, bắt đầu từ năm 2008, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm việc dùng nước hồ Tây để cải thiện nước cho con sông này.

Hồi sinh các ‘dòng sống chết’, Hà Nội vận hành Nhà máy hơn 16.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá nhìn từ trên cao

Cùng với đó, rất nhiều dự án làm sạch nước đã được triển khai trên sông Tô Lịch như: tạo bè thủy sinh, xây dựng cống bao... đã được triển khai. Nhưng với việc mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp qua hàng trăm ống xả thải trực tiếp, hiện nước sông Tô Lịch vẫn chưa thể chuyển màu từ đen sang xanh.

Để cứu sông Tô Lịch và một số dòng sông “chết” khác trên địa bàn Thủ đô, dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (trên địa bàn huyện Thanh trì) được kỳ vọng sẽ làm hồi sinh các con sông đang ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngày 27/11, tại buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thành phố đã quan tâm quyết liệt chỉ đạo vấn đề xử lý ô nhiễm nước thải. Đến nay, thành phố đã có 6 nhà máy/trạm xử lý nước thải tập trung theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng-lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ với tổng công suất xử lý là 314.300 m3/ngày đêm; đạt tỷ lệ 30,9% nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Sau 8 năm xây dựng, ngày 1/12/2024, Hà Nội bắt đầu vận hành thử nghiệm dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, với công suất 100.000 m3/ngày đêm. Thời gian vận hành thử trong vòng 6 tháng.

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỉ đồng, trong đó 84,14% là vốn vay ODA (Chính phủ Nhật Bản). Dự án bao gồm một nhà máy xử lý nước thải với công suất 270.000m³/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874ha.

150 điểm xả nước thải sinh hoạt chính ở ven sông Tô Lịch sẽ được thu gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để xử lý, đảm bảo quy chuẩn, sau đó mới được đổ trở lại sông Tô Lịch, sông Nhuệ.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sử dụng công nghệ truyền thống sẽ mang đến tính an toàn của công trình, chi phí vận hành thấp. Xử lý bằng công nghệ sinh học hiếu khí, qua đó các sinh vật sẽ tiêu hóa các chất hữu cơ trả lại nguồn nước sạch, công nghệ này được ứng dụng hầu hết ở các nhà máy Nhật Bản.

Hồi sinh các ‘dòng sống chết’, Hà Nội vận hành Nhà máy hơn 16.000 tỷ đồng- Ảnh 2.

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỉ đồng

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, đến nay, để có thể vận hành thử nghiệm, dự án đã hoàn thành gần 22km cống bao thu gom nước thải, hơn 100 hố ga và gần 170 giếng tách dọc sông Tô Lịch với lưu vực thu gom khoảng 2.000 ha, đủ điều kiện dẫn nước về nhà máy xử lý. Trước mắt, trong giai đoạn thử nghiệm 6 tháng đầu, công suất trung bình là 100.000 m³/ngày đêm mùa khô, 250.000 m³/ngày đêm vào mùa mưa.

Ông Koizumi Tadao - Giám đốc Dự án gói thầu số 1, Công ty Jfe (Nhật Bản) cho biết: “Ban đầu chúng tôi sẽ vận hành với công suất 40.000 - 50.000 m³/ngày đêm, sau 1 tháng sẽ tăng dần lên 100.000 m³/ngày đêm theo giấy phép để theo dõi, đánh giá. Hiện chúng tôi đã cho các vi sinh vào bể nuôi dưỡng để phục vụ cho quá trình xử lý”.

Thời gian tới, để có thể phát huy và vận hành hết công suất 270.000 m³/ngày đêm theo thiết kế, dự án sẽ còn phải tiếp tục hoàn thiện các gói thầu số 3 và số 4 liên quan đến việc xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước thải dọc sông Lừ, một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới.

Dự kiến năm 2025, khi dự án hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc, với công suất 270.000 m3/ngày đêm, tỷ lệ xử lý nước thải sẽ đạt 50%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Hiện dọc sông Tô Lịch còn một số điểm xả thải ra môi trường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu Sở Xây dựng xây dựng phương án đấu nối các điểm này vào hệ thống thu gom nước thải của dự án, nhằm thu gom triệt để nguồn nước thải về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá. Ông Đông cũng đề nghị Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý, dọn sạch rác thải, chất thải rắn gây mất cảnh quan dọc sông Tô Lịch.

Với việc Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành thử nghiệm sẽ phát sinh khoảng 200 tấn bùn thải/ngày, vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng có phương án xử lý hoặc bố trí điểm chứa phù hợp.

Cùng với việc đưa vào vận hành chạy thử Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Hà Nội đang chỉ đạo, hoàn thiện, phê duyệt Đề án "Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét". Trên cơ sở thu gom triệt để nước thải xả vào sông Tô Lịch, vận hành tốt hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, đầu tư cải tạo, nâng cấp cảnh quan dọc 2 bờ sông, dự kiến trong năm 2025, môi trường, cảnh quan sông Tô Lịch sẽ chuyển biến tích cực, phục vụ hiệu quả nhân dân Thủ đô.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm