Kỹ năng sống

Học sinh căng thẳng học thêm, nhà trường tổ chức ôn luyện thi tốt nghiệp thế nào?

Tóm tắt:
  • Thông tư 29 hạn chế thời gian học thêm, học sinh phải tìm lớp ngoài để ôn thi Tốt nghiệp THPT 2025.
  • Học sinh lớp 12 đang chuẩn bị cho kỳ thi với nhiều áp lực và lo lắng về nội dung đề thi mới.
  • Nhiều học sinh cảm thấy thiếu tài liệu ôn tập so với các khóa trước, ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị.
  • Các trường tổ chức hỗ trợ ôn tập miễn phí, nhấn mạnh sự cần thiết của kỷ luật và bình tĩnh cho học sinh.
  • Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có nhiều điểm mới, diễn ra vào cuối tháng 6, với hơn 1 triệu thí sinh tham gia.

Chạy "nước rút"

Em Nguyễn Thanh Huyền, học sinh lớp 12, Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) chia sẻ dự định sẽ theo đuổi mục tiêu trúng tuyển vào khối ngành kinh tế của một trong các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân…

Huyền xác định tìm hiểu sớm phương thức tuyển sinh của các trường yêu thích để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về điều kiện.

Đến thời điểm này, nữ sinh đã có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, HSK. Ngoài ra, em cũng đang tăng tốc ôn luyện để chuẩn bị thi đánh giá năng lực và thi tốt nghiệp THPT.

“Kỳ thi năm nay em khá lo lắng vì đề toán có nhiều câu hỏi thực tế. Đề Ngữ văn cũng có thể không sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Từ khi áp quy định mới về học thêm, mỗi môn học không được học quá 2 tiết/ tuần ở trường nên em vẫn phải tìm lớp học thêm ở các trung tâm”, Thanh Huyền chia sẻ.

Còn Hoàng Quốc Trọng, lớp 12A3 của trường này cũng nói rằng, em cảm thấy khó khăn khi tiếp cận chương trình GDPT 2018. Nếu như các anh chị khóa trước thi tốt nghiệp THPT có nhiều tài liệu, đề thi thử để ôn tập thì học sinh khóa 12 năm nay khan hiếm tài liệu hơn.

Còn hơn 2 tháng nữa, hơn 1 triệu học sinh sẽ bước vào Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025.

Còn hơn 2 tháng nữa, hơn 1 triệu học sinh sẽ bước vào Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025.

Trọng cho rằng, chương trình GDPT mới như con dao hai lưỡi vì sách giáo khoa mới, phương pháp dạy học mới giúp học sinh tiếp cận kiến thức theo một cách khác hứng thú hơn, có nhiều bài học ứng dụng thực tiễn hơn tuy nhiên cũng khiến học sinh cảm thấy lo lắng, áp lực hơn.

“Lo là vì năm nay là năm đầu tiên thi theo chương trình mới, đề thi sẽ như thế nào, có độ khó ra sao? Em cũng thường xuyên tự đặt câu hỏi với chính mình, liệu hình thức, mức độ ôn tập như vậy đã đáp ứng được hay chưa nên có tâm lý chưa vững vàng”, Trọng nói.

Còn Nguyễn Viết Tùng, học sinh lớp 12 một trường THPT khác ở Hà Nội cũng chia sẻ tâm trạng, càng sát kỳ thi em càng hồi hộp, lo lắng.

“Ngoài đăng ký ôn thi 4 môn tốt nghiệp THPT ở trường do thầy cô giáo dạy miễn phí, em còn học thêm 4 buổi ở trung tâm đồng thời tham gia lớp học trực tuyến, học ôn cùng bạn ở nhà. Không có nhiều thời gian để ngủ, nghỉ ngơi nhưng em vẫn tự nhủ phải cố gắng vì đây là thời điểm cần phải tập trung hết sức mình để đạt kết quả tốt nhất”, Tùng nói.

Năm nay, Tùng đặt mục tiêu vào Học viện Ngoại giao. Ngoài ôn thi tốt nghiệp, em cũng đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia để có thêm cơ sở xét tuyển.

Giáo viên hỗ trợ hết sức

Ông Hoàng Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) nói rằng, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường đã phổ biến cho phụ huynh, học sinh nắm các quy định. Sau đó, tổ chức cho học sinh đăng ký ôn tập để xếp lớp theo quy định, mỗi môn không quá 2 tiết/ tuần và không thu phí.

Với kỳ thi năm nay, phụ huynh và học sinh đều không tránh khỏi tâm tư nhưng nhà trường đã động viên thầy cô giáo có trách nhiệm, tâm huyết ôn tập, hỗ trợ trên lớp, chữa bài học sinh để các em có kết quả thi tốt nhất.

Học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) "quây" đại diện trường đại học để làm rõ thông tin tuyển sinh năm nay.

Học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) "quây" đại diện trường đại học để làm rõ thông tin tuyển sinh năm nay.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều điểm mới, trường đã tổ chức chương trình Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, trong đó mời đại diện Bộ GD&ĐT, hàng chục trường đại học đến chia sẻ thông tin thi cử, lựa chọn nghề nghiệp cho phụ huynh và học sinh nắm được.

Về phương pháp học tập, theo ông Thuận, thời điểm này các em cần có tính kỷ luật cá nhân và tập trung cao độ, phân chia giờ học hợp lý đối với từng môn học để đạt hiệu quả cao nhất. Thay vì lo lắng, điều quan trọng là học sinh cần giữ được sự bình tĩnh, tận dụng thời gian “vàng” để ôn tập, giữ vững tâm lý trước kỳ thi.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh cho rằng, học sinh lớp 12 năm nay mới chỉ có 3 năm thực hiện chương trình GDPT 2018. Trước đó, tiểu học, THCS các em vẫn học theo chương trình GDPT 2006. Các em học chương trình mới cùng với sự đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá với cách học cũ, tư duy cũ nên vẫn còn những hạn chế, khó khăn trước yêu cầu đổi mới của chương trình cũng như đề thi.

Theo ông Bình, các nhà trường, thầy cô giáo đã có kế hoạch dạy học, ôn tập, hỗ trợ cho học sinh từ đầu năm học nhằm đạt kết quả tốt nhất. Với những thay đổi trong thi cử, thầy cô sẽ tiếp tục đồng hành nên các em cần giữ tâm thế bình tĩnh, tự tin, ôn tập một cách chắc chắn kiến thức, tránh tình trạng căng thẳng, lo âu sẽ tác động đến hiệu quả học tập.

Lo lắng có căn cứ

Kết quả khảo sát chất lượng được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố đầu tháng 4/2024 đã “báo động” cho các trường học nếu không dạy học, tăng cường ôn tập cho học sinh một cách nghiêm túc sẽ có nhiều em có nguy cơ trượt tốt nghiệp.

Bởi lẽ, số bài thi của học sinh thuộc nhóm nguy cơ trượt tốt nghiệp của toàn thành phố đạt dưới điểm 3 lên con số gần 32.000 bài thi (chiếm gần 7%); số bài 0 đến 1 điểm là gần 5.000 (hơn 1%).

Bên cạnh đó, số bài thi đạt mức điểm trung bình lớn nhất nằm trong khoảng 6-7 điểm, chiếm gần 21% và tỉ lệ học sinh đạt điểm cao thấp. Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đề khảo sát phản ánh đúng chất lượng giáo dục thực tế và kết quả năm nay thấp hơn năm ngoái đồng thời yêu cầu các nhà trường phải có giải pháp hỗ trợ đến từng nhóm học sinh nâng cao chất lượng học tập, tiến tới kỳ thi.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, phương thức ra đề thi năm nay, trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm nhằm đảm bảo công bằng, khách quan hơn cho thí sinh.

Đề thi phân hóa cao nhằm đảm bảo 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh đều theo hướng đảm bảo công bằng, thuận lợi cho thí sinh.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 được tổ chức đồng loạt tại các tỉnh/ thành phố trên toàn quốc vào ngày 26 -27/6 tới với hơn 1 triệu thí sinh dự thi. Năm nay là năm đầu tiên học sinh thi theo chương trình GDPT 2018. Bộ GD&ĐT đã thay đổi phương thức thi, trong đó mỗi thí sinh thi 4 môn gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn.

Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.