Tập đoàn Hòa Phát - doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam - cho biết đang nghiên cứu làm đường ray đường sắt tốc độ cao với tốc độ dự kiến lên tới 850km/h.
Làm đường ray tàu cao tốc yêu cầu kỹ thuật phức tạp
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS.TS Bùi Xuân Phong, nguyên chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam, cho rằng việc Hòa Phát hay bất kỳ doanh nghiệp Việt nào có thể tham gia làm đường sắt cao tốc cũng "rất đáng ủng hộ".
"Chúng ta có chủ trương đẩy mạnh nội địa hóa, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, không có lý do gì không ủng hộ", ông Phong nói.
Tuy nhiên, đến nay dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vẫn đang trong giai đoạn đề xuất.
"Chúng ta vẫn chưa thể biết lựa chọn công nghệ gì, tốc độ bao nhiêu, người bảo 200km/h, cũng có bên đề xuất 350km/h. Việc lựa chọn công nghệ nào, tốc độ bao nhiêu sẽ đi kèm tiêu chuẩn đường ray".
Vị chuyên gia cho biết tốc độ càng cao thì mức hao mòn càng "khủng khiếp". Nhìn chung, đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật rất cao, không phải bất kỳ doanh nghiệp, thậm chí quốc gia nào cũng có thể làm được…
Ông Phong cũng cho biết giờ "không có cơ sở" nào nói Hòa Phát có thể làm được hay không, tuy nhiên, khả năng phải nhập khẩu công nghệ và nhân lực rất cao.
Do vậy, đầu tư sẽ rất tốn kém, cộng thêm nhiều yếu tố rủi ro khác như dự án bao giờ được triển khai, khi triển khai công nghệ đã đạt đến mức độ nào…
Trước đây doanh nghiệp này cũng chỉ sản xuất phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng… Còn với vật liệu có thể sử dụng được cho đường sắt cao tốc thì là "câu chuyện hoàn toàn khác", ông Phong nói.
"Đi kèm với tốc độ là tiền. Tốc độ càng cao thì đòi hỏi kỹ thuật càng phức tạp. Đầu tư lớn song liệu có được sử dụng, vòng quay tuổi thọ công nghệ như thế nào", vị chuyên gia ngành đường sắt lưu ý thêm.
Đường sắt ở tốc độ 850km/h: Thế thì quá kinh rồi!
Ông Lã Ngọc Khuê - nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho biết đường ray đường sắt tốc độ cao có kết cấu không quá phức tạp, nhưng yêu cầu về chất lượng thép rất cao vì độ mài mòn lớn.
Ông Khuê cho biết hiện nay tốc độ cao nhất chỉ 450km/h, nên thấy bất ngờ và nếu Hòa Phát dự kiến nghiên cứu ở mức 850km/h thì "quá kinh rồi".
Cũng theo ông Khuê, tiêu chuẩn ray đường sắt tốc độ cao Việt Nam chưa có, nhưng quốc tế thì đã có.
Sau khi doanh nghiệp ra được sản phẩm, sẽ đem đi kiểm tra, kiểm định. Đạt được thì có đủ điều kiện để tham gia đấu thầu, còn không đạt thì làm lại.
"Tiêu chuẩn quốc tế đều có rồi. Các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam hiện tại chưa ai làm đường ray cả. Nhưng nếu tham gia được thì quá tốt", ông Khuê nói.
Khi nghiên cứu thành công và ra được sản phẩm, trong trường hợp Việt Nam không dùng vẫn có thể xuất khẩu. Song ông Khuê nhấn mạnh việc đầu tư sẽ rất tốn kém, cần sự bài bản, chuyên nghiệp từ doanh nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - trưởng khoa vận tải kinh tế Trường đại học GTVT - cho biết nên khuyến khích doanh nghiệp Việt đẩy mạnh nghiên cứu, dấn thân vào những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao.
-
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn làm đường sắt tốc độ cao Bắc - NamĐỌC NGAY
Ông Thái cũng nói, sau khi Hòa Phát tuyên bố nghiên cứu sản xuất đường ray cho đường sắt tốc độ cao, có không ít ý kiến trái chiều.
Một số ý kiến cho rằng thế giới mới chỉ làm tới 500km/h, thì việc doanh nghiệp Việt nghiên cứu tới 850km/h là "nói quá".
Quan điểm này theo ông Thái, xuất phát từ nền công nghệ Việt Nam còn đang hạn chế. Do vậy, với xuất phát điểm thấp, đạt được thành tựu như vậy là cực kỳ khó khăn.
Ông Thái cũng cho biết đừng bàn chuyện họ có làm được không, vì doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư, hơn ai hết sẽ phải tự tính toán sự khả thi, giá thành, khả năng phát triển…
Tất nhiên không phủ nhận việc từ nghiên cứu đến lúc thành hiện thực sẽ là một quãng thời gian "chưa biết đến bao giờ", song ông Thái nói không nên hạn chế… ước mơ.
Ông Thái chỉ lưu ý: đường ray liên quan đến vấn đề an toàn cao, do vậy doanh nghiệp cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, áp dụng công nghệ cao...
Vị tỉ phú cũng cho biết doanh nghiệp có tiềm lực để đầu tư, song hiện tại mới chỉ đang giai đoạn nghiên cứu. Các chuyên gia đều từ nước ngoài và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Để trở thành hiện thực còn rất nhiều bước triển khai.
Cũng theo ông Long, hướng đi này phù hợp với hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn.