Chính phủ đang đẩy mạnh nghiên cứu phương án tối ưu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dự án với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới hơn 70 tỉ USD.
Một số doanh nghiệp trong nước ấp ủ kế hoạch tham gia siêu dự án này.
Đang nghiên cứu, sẽ kịp tham gia đấu thầu dự án đường sắt cao tốc
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, cho biết doanh nghiệp đang tích cực nghiên cứu đề án sản xuất đường ray tàu hỏa tốc độ cao.
Ông nói đề án mới chỉ là ý tưởng từ phía doanh nghiệp, đang được nghiên cứu một cách tích cực, bài bản. Về tiến độ, dự kiến năm 2026 sẽ hoàn thành nghiên cứu và nhanh nhất năm 2028 ra được sản phẩm.
"Làm cái này rất lâu, rất khó, rất tốn kém nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm và có thể kịp tham gia đấu thầu, cung cấp sản phẩm nếu có cơ hội", ông Long nói.
Việc sản xuất sản phẩm này dự kiến sẽ được thực hiện ở giai đoạn 2 của Dung Quất 2 và một phần dự án tại Phú Yên. Về công nghệ, chủ tịch Hòa Phát tiết lộ sẽ "đi tắt đón đầu", sử dụng công nghệ cao nhất nhập từ nhóm G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Ý).
Về tốc độ tính toán dự kiến đường ray sẽ đạt mức 850km/h.
"Bao giờ ra sản phẩm cũng phải tính được thì tương lai. Bây giờ thế giới phổ biến là 300-500km/h. Nhưng tôi được biết nhiều nước đang có thử nghiệm 800km/h. Mình làm sau, mình phải bắt kịp và đáp ứng được yêu cầu về tốc độ. Tốc độ càng cao thì tính ăn mòn càng khủng khiếp", ông Long nói.
Vị chủ tịch doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam cũng cho biết để xây dựng đề án này, ông tập hợp một đội ngũ chuyên gia nước ngoài. Ban nghiên cứu này ngồi ngay cạnh phòng chủ tịch và chỉ tập trung vào làm nghiên cứu.
Công việc điều hành tập đoàn chủ yếu hiện nay do tổng giám đốc và ban điều hành, do vậy ông Long nói mình có nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu dự án mới, thậm chí những cái khó chưa doanh nghiệp Việt Nam nào làm được, như tôn silic...
Doanh nghiệp không ngại khó
"Việc tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam rất tiềm năng. Bây giờ chúng tôi cũng đã làm được nền tảng rồi, nhưng ra được sản phẩm cần phải qua quá trình thử nghiệm mất vài năm", ông Long tiết lộ.
Ông cũng nói dự án này khó, doanh nghiệp Trung Quốc đang thống lĩnh trên thị trường này, nhưng doanh nghiệp "không ngại khó".
Trước đó, trao đổi với cổ đông tại đại hội thường niên diễn ra ngày 11-4, ông Long cũng khẳng định đối với các tập đoàn sản xuất lớn, đa ngành là xu hướng không thể thay đổi.
"Về sách lược, ở từng giai đoạn cụ thể chúng ta có những bước đi thích hợp. Ở thời điểm ngắn hạn, chúng tôi vẫn dồn toàn lực sản xuất thép, chiến lược đa ngành không thay đổi và không có ý định thoái vốn mảng nào", ông Long nhấn mạnh.
Đề cập đến tiến độ dự án Dung Quất 2 - dự án "ngốn" nguồn lực rất lớn của Hòa Phát hiện nay, ông Long cho biết dự kiến tháng 9-2026 sẽ hoàn tất.
Liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hôm qua (10-4), Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.
Theo đó, để hoàn thiện đề án đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ trình Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến góp ý, tính khả thi, phương án huy động vốn, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế… để lựa chọn kịch bản tối ưu.
Về tốc độ thiết kế, phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục làm rõ hơn dựa trên phân tích, nghiên cứu kinh nghiệm đầu tư, vận hành, khai thác hành khách kết hợp hàng hóa của các nước trên thế giới... Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu, phản biện độc lập để lựa phương án tối ưu.