Trong 3 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với Quý I/2021. Sản xuất gang thép và các sản phẩm thép đóng góp 90% vào kết quả chung của Tập đoàn.
Tập đoàn Hòa Phát hiện có công suất thép thô trên 8 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 700.000 tấn/tháng. Quý I/2022, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép như than luyện coke, quặng sắt tăng cao. Tuy nhiên, các nhà máy của Hòa Phát luôn hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sản lượng bán hàng thép xây dựng thành phẩm, phôi thép và thép cuộn cán nóng đạt 2,17 triệu tấn, tăng 12% so với Quý I/2021.
Trong đó, thép xây dựng thành phẩm là 1,34 triệu tấn, tăng 57%. Thép cuộn cán nóng của Tập đoàn Hòa Phát trong 3 tháng đầu năm đạt 763.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ 2021. Các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ lần lượt là 207.000 tấn và 105.000 tấn, tương ứng mức tăng 13% và 43% so với cùng kỳ 2021.
Hòa Phát đạt hơn 44.000 tỷ doanh thu và 8.200 tỷ lợi nhuận sau thuế trong Quý I
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hòa Phát duy trì mức sản lượng phù hợp, tiết kiệm chi phí nhằm tối ưu giá thành khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Với lĩnh vực bất động sản, các khu công nghiệp của Hòa Phát như Phố Nối A, Yên Mỹ II tiếp tục được đầu tư mở rộng, tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tập đoàn cũng tích cực nghiên cứu, triển khai một số dự án bất động sản khu đô thị có tính thanh khoản cao tại một số tỉnh, thành phố.
Về lĩnh vực điện máy gia dụng, ngoài tủ lạnh, tủ đông và điều hòa không khí, Hòa Phát bắt đầu cung cấp máy làm mát không khí từ Quý I/2022 và đang đầu tư xây dựng thêm hai nhà máy sản xuất mới tại tỉnh Hà Nam và Bà Rịa – Vũng Tàu. Sản phẩm chính của các nhà máy này là máy lọc nước, máy lọc không khí, tủ mát… Dự kiến quý III, những sản phẩm điện gia dụng đầu tiên sẽ ra mắt thị trường.
Trong báo cáo thường niên năm 2022, cùng với định hướng tiếp tục đầu tư dự án Hòa Phát Dung Quất 2 trong năm 2022, Hòa Phát cũng thể hiện tham vọng " trở thành nhà sản xuất thiết bị cho gia đình lớn nhất Việt Nam" với định hướng phát triển mạnh vào ngành điện lạnh.
Quý IV/2021, Tổng công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát ra đời, quy mô đầu tư lớn, bài bản vào ngành hàng điện máy gia dụng trên nền tảng thâm niên 20 năm phát triển ngành hàng điện lạnh. Điện máy gia dụng trở thành một trong 05 lĩnh vực hoạt động quan trọng của Tập đoàn.
Tổng công ty Điện máy Gia dụng Hòa Phát có tiền thân là công ty Điện lạnh Hòa Phát, được thành lập vào năm 2001 và có 20 năm kinh nghiệm trong việc phát triển và sản xuất các dòng sản phẩm tủ lạnh, tủ mát, tủ đông, điều hòa mang thương hiệu Hòa Phát và Funiki.
Hình ảnh : Hòa Phát
Trên thực tế, tính cạnh tranh trong các sản phẩm điện lạnh trên thị trường Việt Nam khá khốc liệt với rất nhiều các "ông lớn" đến từ khắp nơi như Nhật Bản, Hàn Quốc,... như Panasonic, Samsung, LG, Hiatchi,... Chia nhau miếng bánh ở phân khúc bình dân giá rẻ thì có các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc, Thái Lan,... như Casper, Daikin, Media,... Trong đó, Casper thường được coi là đối thủ trực tiếp của Funiki trong mảng điều hòa.
Doanh thu của mảng điện máy hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu của tập đoàn, tuy nhiên điểm sáng là tỷ suất lợi nhuận tương đối tốt. Đơn cử như năm 2020 với doanh thu chỉ 1.100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận mảng điện máy đạt được 142 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sinh lời trên doanh thu ROS hơn 12%.
Doanh thu mảng điện máy Hòa Phát chiếm thị phần rất nhỏ trong thị trường khi so với các doanh nghiệp khác
Về phía Hòa Phát, trước đây có lẽ do tập trung theo đuổi mục tiêu tối thượng về "thép" nên mặc dù có sản phẩm từ sớm nhưng Hòa Phát chưa thực sự đầu tư cho mảng điện máy cả về "chất" và "lượng".
Theo báo cáo thường niên năm 2021, tổng giá trị vốn điều lệ các công ty trong mảng điện máy của Hòa Phát hiện là 1.000 tỷ đồng, trong khi mảng Bất động sản là 6.000 tỷ đồng, mảng Nông nghiệp là 3.000 tỷ đồng.
Các dòng sản phẩm, mẫu mã và tính năng sản phẩm điện máy của Hòa Phát nhiều năm nay cũng mới chỉ dừng ở tủ mát, tủ đông, tủ lạnh, điều hòa, gần đây mới có sản phẩm máy làm mát không khí.
Tập đoàn cũng chưa dành nhiều ngân sách nghiên cứu, phát triển công nghệ và tính năng mới, thể hiện các sản phẩm mới chỉ sở hữu những tính năng "tiêu chuẩn", chưa có điểm vượt trội,.. Bên cạnh đó, hình ảnh mẫu mã sản phẩm của Hòa Phát được đánh giá tính thẩm mỹ trung bình, khá truyền thống, không có đột phá về thiết kế.
Nguồn: Hòa Phát
Chúng ta cùng chờ xem với những lợi thế của một tập đoàn lớn, Hòa Phát sẽ thay đổi và có những bước đi như thế nào để gia tăng thị phần điện máy của mình trong thời gian tới.