- Phóng viên: Thưa ông, vì sao ngành điện TP HCM thực hiện thay đổi ngày ghi chỉ số điện, dẫn đến số ngày sử dụng điện của khách hàng trong phiên ghi điện tháng 8 kéo dài gần 2 tháng và hóa đơn tiền điện tăng vọt?
+Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCM): Trong tháng 8, ngành điện TP HCM có thay đổi ngày ghi chỉ số điện từ những ngày trong tháng chuyển sang ngày cuối tháng cho khoảng 400.000 khách hàng. Việc thay đổi này mục đích để phục vụ khách hàng được tốt hơn.
Thứ nhất, khách hàng nhớ ngày ghi điện là cuối tháng. Thứ hai, thời gian sử dụng điện trọn trong tháng nên dễ phân biệt được lượng lượng năng sử dụng từng tháng (so với trước đây có thể là nửa tháng này đến nửa tháng sau chứ không phải trọn một tháng trong tháng dương lịch) để điều chỉnh lại nhu cầu sử dụng điện.
Việc này ngành điện cũng đã cân nhắc và lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện chứ không làm vào giữa tháng nắng nóng.
- Nhiều khách hàng cho rằng họ đã không biết đến sự thay đổi này cho đến khi nhận được giấy báo tiền điện tháng 8?
Chúng tôi có gửi các thông tin thông báo cho khách hàng trên các phương tiện như zalo hoặc trên ứng dụng Chăm sóc khách hàng CSKH EVNHCMC theo thông tin khách hàng đăng ký số điện thoại theo hợp đồng trong thời gian sử dụng điện. Có thể khách hàng sơ ý nên để trôi tin nhắn này hoặc không để ý tin nhắn đến.
- Một thắc mắc khác là số ngày sử dụng điện tăng, số kWh điện tiêu thụ cũng tăng cao so với tháng bình thường, vậy khách hàng có bị cộng dồn số kWh để tính giá điện theo lũy tiến bậc thang không, thưa ông?
Ngành điện khẳng định không tính dồn bậc thang mà việc kéo dài thời gian sử dụng thì bậc thang cũng sẽ được mở rộng theo số ngày tương ứng.
- Nhưng vì sao nhiều khách hàng vẫn phản ánh tiền điện của họ cao bất thường?
Chúng tôi đã thực hiện việc thay đổi ngày ghi điện đợt 1 vào quý I/2023 cho khoảng hơn 1 triệu khách hàng. Trong tháng 8, chúng tôi thực hiện tiếp cho khoảng 400.000 khách hàng. Mục tiêu là thực hiện cho toàn bộ hơn 2,6 triệu khách hàng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi lựa chọn những thời điểm thích hợp để tiền điện chênh lệch không quá nhiều.
Nguyên nhân tiền điện tháng 8 của những khách hàng được điều chỉnh ngày ghi điện cao là những khách hàng có số ngày ghi chỉ số điện bình thường vào nửa cuối tháng thì chúng tôi đã làm vào đợt 1.
Đợt này chúng tôi thực hiện cho những khách hàng có thời gian ghi điện vào nửa đầu tháng. Vì vậy, tổng số ngày sử dụng điện sẽ trên 45 ngày nên tiền điện cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên, khách hàng có thể xem kỹ phiếu báo tiền điện, trong đó có chi tiết số ngày sử dụng điện.
Ngoài ra, khách hàng có thể truy cập ứng dụng Chăm sóc khách hàng CSKH EVNHCMC để tham khảo lượng điện sử dụng ngày bình quân hoặc những trong suốt thời gian của tháng ghi điện vừa qua. Tôi nghĩ là mức chênh lệch không đáng kể so với các tháng bình thường.
-Nếu thực hiện chia chu kỳ ghi điện ngay vào cuối tháng 7 (số ngày trong kỳ dưới 30 ngày) số tiền điện khách hàng phải trả sẽ ít hơn. Vì sao ngành điện không chọn phương án này mà lại gộp chung vào tháng 8?
Việc chuyển ngày ghi điện về cuối tháng thì kéo dài số ngày sử dụng điện, tương ứng với định mức điện của khách hàng cũng tăng theo, do đó tổng số tiền sẽ không đổi. Vì vậy, chúng tôi cân nhắc thực hiện việc này để làm sao thuận tiện nhất cho khách hàng, tuy nhiên số tiền sẽ nhiều hơn so với hằng tháng đã chi trả.
Về ý kiến thắc mắc vì sao không tách ra 2 kỳ hóa đơn để số tiền sử dụng ít lại, theo điều 17 nghị định 137 năm 2013 có quy định các ngành dịch vụ như ngành điện, mỗi năm không được phát hành quá 12 kỳ hóa đơn. Nếu trong tháng chuyển ngày ghi điện mà phát hành 2 kỳ hóa đơn thì năm 2023 Tổng Công ty Điện lực TP HCM phát hành đến 13 kỳ hóa đơn và vi phạm quy định. Ngoài ra, nếu phát hành thêm 1 kỳ hóa đơn sẽ phát sinh thêm chi phí trong khi ngành điện đang triệt để tiết kiệm để giảm những khoảng chi phí lỗ trong thời gian qua.
Xin cảm ơn ông!