Thời sự

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động - Bài 1: Nhiều vướng mắc

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn cần các đơn vị liên quan tích cực tham gia tháo gỡ, giải quyết để sớm đưa chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động vào cuộc sống một cách kịp thời.  

Qua hơn một tháng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Tp. Hồ Chí Minh đã xác nhận cho hơn 85.500 lao động thuộc hơn 5.300 đơn vị đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, con số này chẳng là bao so với dự kiến ban đầu của các cơ quan chức năng Tp. Hồ Chí Minh với 1,2 triệu người lao động là đối tượng thụ hưởng chính sách với số tiền hơn 2.100 tỷ đồng.

Doanh nghiệp lúng túng

Những ngày qua, hàng trăm câu hỏi trực tiếp, gián tiếp của doanh nghiệp và đại diện người lao động  xoay quanh về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08 được Sở Lao động, Thương và Xã hội Tp. Hồ Chí Minh trả lời bằng văn bản và tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền Thành phố như cơn mưa rào giải tỏa “cơn khát” vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động cũng như chủ nhà trọ.

Các câu hỏi được doanh nghiệp, đại diện người lao động nêu ra khá cụ thể cho từng trường hợp, tình huống, đối tượng có hay không trong diện thụ hưởng theo chính sách; trong đó, câu hỏi được nhiều người quan tâm là người lao động mới thử việc từ tháng 4-6/2022, chưa có hợp đồng lao động và chưa đóng bảo hiểm xã hội; người lao động đã nghỉ việc trong thời gian từ tháng 4-6; trường hợp người lao động nghỉ không lương tháng 1-3 và tháng 4 đi làm lại; cách xác định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động…

Đại diện Công ty TNHH một thành viên tin học Viễn Sơn (Quận 1) đặt vấn đề: Người lao động đang thuê nhà nguyên căn, đang thuê nhà trọ mà chủ nhà trọ chưa có giấy phép hoạt động hay trường hợp người lao động đang ở nhà ba mẹ nhưng có trả tiền thuê... có được hỗ trợ tiền thuê nhà không ?".

Còn bà Phan Thị Phương Dung, đại diện Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến, quận Tân Bình thắc mắc: Người lao động thường trú tại Tp. Hồ Chí Minh nhưng thuê trọ tại Tp. Hồ Chí Minh có thuộc đối tượng thụ hưởng không?".

Tương tự, đại diện Công ty TNHH thương mại xây dựng Lộc Nguyên (Quận 10) cho rằng, trường hợp lao động ở trọ cùng những người khác và ký hợp đồng với người cho thuê nhà trọ bởi một người đại diện mà không phải người lao động này đứng tên.

Vậy hợp đồng kèm theo đó có được chấp nhận là cơ sở căn cứ xác nhận người đó thuê trọ tại điểm đó không? Trường hợp chủ nhà trọ không phải là người đứng chủ hộ tại địa điểm cho thuê (nhà của bà con đi nước ngoài để lại trông coi giùm và cho thuê,...) và không đăng ký tạm trú tạm vắng cho người lao động với lý do là không phải chủ hộ thì không đăng ký được và một số lý do khác thì việc ký xác nhận trên đơn hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động liệu có được chấp nhận. 

Về các nội dung trên, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn Lao động, Sở Lao động, Thương và Xã hội Tp.Hồ Chí Minh cho biết: Theo quy định, người lao động thuê trọ nhưng chủ nhà trọ dù có đăng ký lĩnh vực ngành nghề cho thuê phòng trọ với chính quyền hay tự phát cho thuê thì người lao động vẫn được hỗ trợ.

Tuy nhiên, bà Trúc cũng lưu ý doanh nghiệp phải hỏi kỹ, xác định lại mối quan hệ chính xác như thế nào, việc phát sinh thuê mướn mối quan hệ thuê trọ ra sao, tránh phát sinh trường hợp tiêu cực.

Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, căn cứ vào Quyết định 08/2022/QĐ-TTg quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Thủ tướng Chính phủ, việc xác định người lao động có ở thuê, ở trọ là những người cư trú tại cơ sở cho thuê, cho trọ và phải trả cho chủ cơ sở một khoản tiền thuê nhà.

Người lao động muốn được hỗ trợ tiền thuê nhà phải đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo mẫu số 01 nhưng phải đúng quy định. Trong trường hợp chủ nhà có ủy quyền lại cho người thân trong nom nhà cửa và cho thuê phải có giấy tời chứng minh hoặc đề nghị Công an khu vực xác nhận tình trạng cho thuê, ở trọ cho người lao động.

Liên quan đến Quyết định 08/2022/QĐ-TTg, các doanh nghiệp khác cũng cũng nêu các trường hợp người lao động nước ngoài. Hay, điểm nộp hồ so nếu như doanh nghiệp có trụ sở ở Tp. Hồ Chí Minh nhưng có chi nhánh ở các tỉnh, thành phố khác...

Căn cứ vào Quyết định 08/2022/QĐ-TTg, Sở Lao động, Thương và Xã hội thành phố cho biết, người lao động nước ngoài có quan hệ lao động, đang ở thuê, trọ cũng là đối tượng được hưởng chính sách nếu đủ điều kiện.

Trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với địa điểm làm việc ghi trong hợp đồng lao động ở đâu thì hồ sơ hỗ trợ sẽ nộp tại đó. Công ty hoặc chi nhánh đặt trụ sở ở đâu thì hồ sơ nộp tại đó….

Ngoài ra, nhiều vấn đề mang tính “kỹ thuật” như cách kê khai, điền biểu mẫu, cách xác định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động trở lại thị trường lao động… cũng được doanh nghiệp, đại diện người lao động nêu ra.

Bất cập chưa giải tỏa

Mặc dù các vướng mắc doanh nghiệp đặt ra trước và ngay tại hội nghị đều được đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố giải đáp song vẫn có một số phản hồi vẫn chưa làm doanh nghiệp thỏa mãn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chính sách cũng bỏ sót đối tượng vì người lao động thuộc diện hỗ trợ nhưng đã nghỉ việc trước thời điểm lập danh sách bởi không còn quan hệ lao động.

Trên thực tế, bà Nguyễn Lệ Diễm, Công ty TNHH Sankei Việt Nam cho biết, có rất nhiều trường hợp không giống như hướng dẫn nên công ty chưa biết căn cứ vào đâu để hoàn tất hồ sơ. Mọi việc phải chờ câu trả lời chính thức từ các cơ quan chức năng mới có thể tiếp tục triển khai.

Bà Diễm cũng nêu nhiều trường hợp cả gia đình cùng ở trọ trong một nhà sẽ kê khai như thế nào; khó xác nhận được là ở theo hình thức gia đình, anh chị em, hay là ở theo hình thức trọ. Hay trường hợp tháng 4 và 5/2022, người lao động làm việc tại công ty và nghỉ việc vào tháng 6/2022.

Đến tháng 7/2022, doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cho đối tượng này hưởng hỗ trợ tháng 4 và 5 thì không được. Điều này không hợp lý vì khoảng thời gian người lao động đề nghị hỗ trợ họ vẫn còn quan hệ lao động với doanh nghiệp.

Tương tự, bà Bùi Thị Trúc Ly, cán bộ nhân sự Công ty cổ phần Sài Gòn Food (huyện Bình Chánh) cũng chỉ ra bất cập với đối tượng mới quay lại thị trường lao động và đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo mẫu số 03 đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác nhận. Nghĩa là doanh nghiệp phải lập danh sách người lao động đề nghị xác nhận riêng từng tháng, không được gộp.

Trong trường hợp, người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của tháng 4/2022 thì doanh nghiệp phải gửi danh sách cho cơ quan bảo hiểm xã hội trước ngày 15/5. Nếu không thực hiện đúng thời hạn thì cơ quan Bảo hiểm xã hội từ chối tiếp nhận.

"Sài Gòn Food có hơn 2.000 người lao động, nhưng không phải người nào cũng nhanh chóng xin xác nhận từ chủ nhà trọ bởi nhiều lý do khác nhau. Việc triển khai chính sách chậm không phải lỗi của người lao động nhưng họ lại bị thiệt thòi quyền lợi. Tôi mong cơ quan chức năng sẽ xem xét lại trường hợp này", bà Ly chia sẻ.

Cũng từ những quy định của Quyết định 08/2022/QĐ-TTg, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam cũng nêu lên những bất cập, khó khăn nhất định trong việc triển khai thực hiện, nhất là việc xác nhận kê khai, niêm yết công khai và hoàn tất chi trả đúng ngày cho người lao động.

Cụ thể, nếu giao cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực thông tin của người lao động như tại khoản 2, 3, điều 4, Quyết định 08/2022/QĐ-TTg thì rất khó. Bởi doanh nghiệp không thể nắm bắt hoặc biết rõ tình trạng người lao động nào đang ở trọ, ở từ khi nào, kê khai có đúng không và chủ nhà trọ xác nhận là đúng…

“Nếu đi kiểm ra, rà soát từng hồ sơ cho 3.000 – 4.000 người lao động hay hơn 35.000 người của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam người đâu để làm và làm bao giờ mới xong. Ngược lại, nếu làm nhanh, dẫn đến sai sót thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với số tiền đã được chi ra.

Do vậy, kiến nghị Thành phố cần có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp doanh nghiệp lớn, nhất là việc xác minh rất khó và doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính xác thực thông tin của người lao động…”, ông Hồng chia sẻ. 

Tương tự, ông Đỗ Danh Hiển, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May thêu giày An Phước vẫn chưa thể hoàn thành do một số vướng mắc, nhất là việc sàng lọc theo từng mẫu thuộc đối tượng nào. Cụ thể, với người dùng mẫu số 3, ở khái niệm quay lại thị trường lao động rất khó xác định.

“Nếu người lao động đó về quê, hết dịch họ quay lại thành phố thì dễ xử lý, còn trường hợp người lao động chuyển từ công ty này sang công ty khác, doanh nghiệp cũng khó xác định chính xác. Chưa kể người lao động nhận tiền xong và xin nghỉ việc. Nếu chi sai, công ty sẽ phải chịu trách nhiệm…”, ông Hiển chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm