Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc áp dụng cộng nghệ thông tin cho các hoạt động như thu thập dữ liệu để phòng chống dịch bệnh. Đây là một thời khắc quan trọng cho thấy việc áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo, sử dụng các hệ thống số hóa... sẽ đẩy mạnh khả năng đáp ứng nhanh khi thế giới đang dần tiến tới trạng thái bình thường mới.
Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 tại Việt Nam đã đạt mức rất cao trong khu vực và quốc tế. Việt Nam hiện đang dần bước vào giai đoạn hồi phục hoạt động kinh tế xã hội. Chính phủ đã tuyên bố chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022. Kể từ cuối năm 2021, Việt Nam đã nỗ lực phát triển giấy chứng nhận tiêm Covid-19 điện tử để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại.
Chứng nhận tiêm chủng điện tử hiển thị các thông tin cá nhân và thông tin tiêm chủng của người sử dụng thông qua mã QR code có hạn sử dụng là 12 tháng.
Toàn cảnh hội thảo, ảnh Ngọc Minh.
Tại buổi hội thảo, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho hay: "Vương quốc Anh rất vui mừng được hỗ trợ tổ chức phi lợi nhuận PATH và Bộ Y tế Việt Nam trong việc phát triển hệ thông chứng nhận vắc xin Covid-19 cho Việt Nam. Dự án đã chứng minh mối quan hệ đối tác công tư và với khối xã hội dân sự có thể mang lại những kết quả rất khả quan.
Đây cũng là một bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, mang đến sự minh bạch về dữ liệu và cho phép hoạch định chính sách dựa trên dữ liệu".
Trong khuôn khổ dự án này, Đại sứ Quán Anh và PATH sẽ hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam để liên kết dữ liệu tiêm chủng quốc gia theo chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới.
Đại sứ quán Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho hay: "Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn vương quốc Anh rất nhiều. Tôi tự hào vì đã có giấy chứng nhận điện tử vắc xin 3 liều. Tôi hy vọng số lượng du khách Anh tới Việt Nam sẽ tăng lên để thúc đẩy du lịch của Việt Nam".
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay, Việt Nam đã cấp phép cho 9 loại vắc xin tiêm phòng Covid-19, trong đó có 3 vắc xin véc tơ, 2 vaccine mRNA, 3 vắc xin bất hoạt và 1 vắc xin tái tổ hợp.
Bộ Y tế đề xuất Sở Y tế, CDC các tỉnh sẽ chịu trách nhiệm ký chứng nhận tiêm chủng điện tử.
Biểu mẫu "hộ chiếu vắc xin"
Các thông tin hiển thị trong "hộ chiếu vắc xin":
1. Họ và tên;
2. Ngày tháng năm sinh;
3. Quốc tịch;
4. Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới;
5. Số mũi tiêm đã nhận;
6. Ngày tiêm;
7. Liều số;
8. Vắc xin;
9. Sản phẩm vắc xin;
10. Nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc xin;
11. Mã số của chứng nhận.
Các thông tin trên sẽ được ký số, mã hóa và được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D.
Các thông tin họ và tên và ngày sinh sẽ được kết hợp với giấy tờ định danh khác như CMND, CCCD hay hộ chiếu để giúp định danh người sở hữu.
Các thông tin về bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, vắc xin, loại vắc xin và nhà cung cấp hoặc sản xuất sẽ được hiện thị tương ứng với tài liệu "COVID-19 vaccine fracker and landscape" của WHO được cập nhật trên Công thông tin điện tử của WHO và "Walue Sefs for EU Digital COVID Cerfificafes" do Liên mình Châu Âu (EU) ban hành.
Quy trình cấp "Hộ chiếu vắc xin"
- Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19. Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
- Bước 3: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU.