Gia tộc Cheng ở Hong Kong (Trung Quốc) vừa tiếp nhận quyền kiểm soát một khu nghỉ dưỡng casino ở Việt Nam từ chủ sở hữu trước đó là LET Group, theo Straits Times.
LET Group Holdings Ltd., từng là một phần của đế chế kinh doanh Suncity Group của ông trùm sòng bài Alvin Chau, đã ngừng tham gia quản lý khu nghỉ dưỡng Hoiana. Thay vào đó, công ty đầu tư của gia tộc Cheng là Chow Tai Fook Enterprises Ltd., hiện nắm quyền kiểm soát hoạt động của khu nghỉ dưỡng này, các nguồn tin giấu tên cho hay.
Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana), tỉnh Quảng Nam là dự án casino lớn bậc nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 986 ha, vốn đầu tư hơn 81.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD). Chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An – một liên doanh giữa Công ty quản lý quỹ VinaCapital và Tập đoàn kinh doanh sòng bạc Genting đến từ Malaysia.
Sau đó Genting đã rút lui vì không đạt được thoả thuận cho phép người Việt vào chơi trong sòng bạc. Thay thế cho Genting là Chow Tai Fook và Suncity Group (LET Group).
Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) mới đây cho biết đã thông qua công ty con Gamuda Land ký thoả thuận mua lại toàn bộ cổ phần của ba cá nhân trong CTCP Bất động sản Tâm Lực với giá trị hơn 7.200 tỷ đồng (gần 316 triệu USD).
Tâm Lực hiện đang sở hữu một một dự án duy nhất thuộc khu đất rộng 3,68 ha tại TP Thủ Đức, TP HCM. Vị trí của khu dự án tiếp giáp với Xa Lộ Hà Nội và nút giao thông An Phú, là cửa ngõ của đường cao tốc Bắc Nam nối TP HCM và Hà Nội. Tổng giá trị phát triển dự án khoảng 1,1 tỷ USD.
Gamuda dự định phát triển khu đất này thành một dự án hỗn hợp cao tầng, bao gồm 1.968 căn hộ, 12 căn penthouse, 51 cửa hàng khối đế kinh doanh và 21 căn shophouse.
Trước đó, ngày 12/1/2022, UBND TP HCM đã có Quyết định số 149/QĐ-UBND về việc giao đất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại phường An Phú, TP Thủ Đức cho CTCP Bất động sản Tâm Lực để thực hiện dự án Khu nhà ở Tâm Lực với tổng diện tích đất dự án là hơn 37.699 m2. Về cơ cấu sử dụng đất dự án, 27.043 m2 đất ở đô thị và 10.656 m2 đất công trình công cộng.
Keppel Corporation vừa qua cũng cho biết Keppel Land thông qua công ty con sở hữu 100% vốn là VN Prime Vietnam (VNPV) đang mua lại 65% cổ phần của một công ty sở hữu bất động sản bán lẻ tại Hà Nội. Khu bán lẻ này thuộc một dự án phức hợp đang trong quá trình xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Theo ước tính của phía Keppel, thương vụ này có giá trị xấp xỉ 70 triệu USD (khoảng 1.230 tỷ đồng) và sẽ tùy chỉnh dựa vào đàm phán giữa hai bên. Bên mua dự kiến sẽ thanh toán thành hai đợt bằng tiền mặt. Thời gian hoàn tất giao dịch dự kiến chưa được Keppel công bố.
Ngoài Keppel, cổ đông còn lại sở hữu 35% vốn ở doanh nghiệp dự án này là CTCP Thương mại và Đầu tư Phát triển Bình Minh.
Trước đó không lâu, nhóm Keppel công bố mua lại 49% vốn tại hai dự án ở TP thủ Đức, TP HCM gồm Emeria (6 ha) và Clarita (5,8 ha) thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH).
Nhiều thương vụ mới ở giai đoạn đầu
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập) diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ lớn. Các doanh nghiệp bất động sản thâu tóm thêm nhiều quỹ đất lớn, từ dự án căn hộ cho đến các bất động sản công nghiệp, văn phòng,...
VARS cho biết, trong 6 tháng, các nhà đầu tư ngoại đang duy trì sự quan tâm tới các dự án bất động sản trong nước. Càng về sau, mức độ quan tâm càng tăng lên. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý là mục tiêu săn lùng của nhiều nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư ngoại đang thực hiện các thương vụ thâu tóm dự án bất động sản tại Việt Nam phần lớn đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan,… Chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam, có đủ tiềm lực để tham gia cuộc chơi với các thương vụ quy mô vừa và nhỏ.
“Keppel Land, Frasers, WHA, Central Retail,… là những tên tuổi ngoại đã và sẽ tìm kiếm cơ hội M&A ở các phân khúc bất động sản thương mại, nhà ở và công nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp trong ngành, các nhà đầu tư từ các lĩnh vực khác cũng đang tìm kiếm cơ hội gia nhập và mở rộng danh mục đầu tư sang ngành bất động sản”, VARs cho biết.
Phương thức mua bán, chuyển nhượng chủ yếu vẫn là nhận chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp dự án. Một số thương vụ đã tách riêng doanh nghiệp dự án để đối tác ngoại mua đứt, đây cũng là lựa chọn được đối tác ngoại ưa thích.
Số lượng các chủ đầu tư có nhu cầu tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư dự án rất lớn. Thay vì giữ vững kỳ vọng được giá, các chủ đầu tư dần thể hiện thiện chí thương lượng với mong muốn đàm phán sớm đạt được thành công.
Cũng theo đơn vị này, tính đến hết quý II/2023, hầu hết các thương vụ M&A mới đang chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu - giai đoạn tìm kiếm và khảo sát, chưa đi đến bước đàm phán và chốt giao dịch.
Các chuyên gia của VARs dự báo, thời gian tới, hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động. Các thương vụ hoàn tất bước thăm dò, khảo sát trong quý II sẽ tiếp tục chuyển sang bước đàm phán, thương lượng trong quý III và rất có thể thị trường sẽ chứng kiến một vài thương vụ thành công đầu tiên trong quý cuối năm nay.
“Tuy nhiên số lượng sẽ không nhiều và giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ với pháp lý cơ bản hoàn thiện. Các thương vụ quy mô vừa và lớn sẽ tiếp tục duy trì quá trình đàm phán đến hết quý IV/2023 thậm chí kéo dài sang quý II/2024. Khi M&A đạt được thành công sẽ góp phần cải thiện nguồn cung. Các dự án dang dở gặp được chủ đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ nhanh chóng được tái khởi động. Các chủ doanh nghiệp thu được tiền từ M&A cũng có nguồn để quay lại thực hiện các dự án còn giữ lại”, chuyên gia VARs nhận định.