MBS dự báo lợi nhuận toàn thị trường trong quý I sẽ tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự phục hồi mạnh của nền kinh tế.
Trong quý I, lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng 15% so với cùng kỳ nhờ tín dụng đã bắt đầu tăng tốc ngay từ đầu năm. Các ngành đạt mức tăng trưởng lợi nhuận quý I nổi bật gồm bất động sản (719%), khu công nghiệp (61%), năng lượng (41%).
Một số ngành ước tính tăng trưởng lợi nhuận giảm như hàng không (-46%) do cùng kỳ năm trước có lợi nhuận đột biến, hay dầu khí (-27%) do giá dầu suy giảm.

Ngân hàng
Tín dụng đã khởi sắc ngay từ đầu năm, giúp lợi nhuận ngành ngân hàng dự kiến tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt 16%, các ngân hàng lớn như Vietcombank (VCB), MB (MBB), HDBank (HDB), VPBank (VPB), Techcombank (TCB) và VIB đều đặt kế hoạch tín dụng trên 15%.
Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi cũng có sự phân hóa, trong đó các ngân hàng quốc doanh có triển vọng tích cực hơn nhờ vào thu phí dịch vụ từ khách hàng doanh nghiệp.
Bất động sản
Thị trường bất động sản tiếp tục duy trì đà bàn giao dự án, giúp lợi nhuận tăng mạnh so với nền thấp năm trước.
Tại TP HCM, quỹ đất ngày càng hạn chế tại khu vực đô thị trung tâm, đẩy giá bán bất động sản liền thổ tăng cao. Trong khi đó, nguồn cung mới đang dịch chuyển ra các khu vực xa hơn như phía Đông TP HCM và TP Thủ Đức.
Ở Hà Nội, nguồn cung bất động sản liền thổ tiếp tục tăng, đặc biệt tại các khu vực ngoại thành như Đông Anh và Gia Lâm, với giá cả ổn định nhờ vào sự phát triển của hạ tầng. Một số doanh nghiệp như Vinhomes (VHM), Khang Điền (KDH), Nam Long (NLG) và Đất Xanh (DXG) ghi nhận lợi nhuận cải thiện đáng kể nhờ tiến độ bàn giao dự án.
Bất động sản khu công nghiệp
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang phục hồi mạnh mẽ, với mức tăng trưởng đáng kể trong đăng ký và giải ngân so với cùng kỳ.
Xu hướng dịch chuyển sản xuất theo chiến lược "Trung Quốc+1" đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của bất động sản khu công nghiệp. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành có sự phân hóa do thời điểm bàn giao đất khác nhau, nhưng nhìn chung triển vọng tích cực nhờ vào nhu cầu thuê đất gia tăng.
Các doanh nghiệp như Kinh Bắc (KBC), Sonadezi Châu Đức (SZC) và Becamex (BCM) đều hưởng lợi từ sự phục hồi này.
Năng lượng
Tiêu thụ điện tăng trưởng mạnh, với mức tăng 12,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước.
Thủy điện dự kiến cải thiện đáng kể nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và công tác tích nước linh hoạt hơn. Sản lượng điện khí giảm do một số nhà máy hết hợp đồng BOT, nhưng vẫn có điểm sáng từ các nhà máy hoạt động ổn định như Nhơn Trạch 2 và Cà Mau 1&2 của PV Power (POW).
Điện than duy trì sản lượng ổn định, trong khi đó các nguồn năng lượng tái tạo có sự hỗ trợ từ chính sách, dù vẫn cần những định hướng rõ ràng hơn về khung giá phát điện và các dự án đang chờ xử lý. Các doanh nghiệp như REE, Hà Đô (HDG) và Điện Gia Lai (GEG) có thể ghi nhận lợi nhuận tích cực nhờ sản lượng thủy điện và điện gió hồi phục.
Tiêu dùng - bán lẻ
Doanh thu bán lẻ và dịch vụ hàng hóa trong hai tháng đầu năm tăng 6,2% so với cùng kỳ, cho thấy tiêu dùng nội địa đang có dấu hiệu phục hồi.
Các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không thiết yếu, dự kiến đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhờ vào nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Ngành bán lẻ điện tử tiêu dùng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, với biên lợi nhuận gộp tiếp tục được cải thiện.
Thế Giới Di Động (MWG) báo cáo doanh thu tăng trưởng mạnh tại chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.