Theo thông tin công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến cuối năm ngoái, vốn chủ sở hữu của CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce gần 3.979 tỷ đồng, tăng 305 tỷ sau một năm.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,6 lần, tương ứng tổng nợ phải trả của hệ thống bán lẻ này là 14.324 tỷ đồng, tăng 657 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Trong đó, dư nợ trái phiếu ở mức 4.456 tỷ đồng.
Như vậy tính đến cuối năm 2022, quy mô tổng tài sản của hệ thống chuỗi bán lẻ này là 18.303 tỷ, tăng 962 tỷ, tương ứng tăng 5,5% so với đầu năm.
Báo cáo cũng cho thấy, năm 2022 WinCommerce lỗ sau thuế 445 tỷ đồng, gấp ba lần mức lỗ 147 tỷ đồng của năm 2021.
Theo kết quả kinh doanh được Masan công bố, doanh thu thuần cả năm 2022 của WinCommerce đạt mức hơn 29.300 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.
Theo Masan, biên EBITDA ở cấp độ cửa hàng của WinCommerce là 6,5%. Ngoài ra, 65% cửa hàng WinMart+ mở vào năm 2022 đã đạt EBITDA ở cấp độ cửa hàng dương trong vài tháng đầu đi vào hoạt động so với 45% cửa hàng WinMart+ được mở và hoạt động vào năm 2021 đã đạt hòa vốn EBITDA.
Trong năm 2022, WinCommerce đã mở thêm 730 cửa hàng WinMart+ và 8 siêu thị WinMart mới, nâng tổng số cửa hàng đến cuối năm lên 3.268 cửa hàng WinMart+ và 130 siêu thị WinMart.
Năm 2023, ban điều hành WinCommerce đặt mục tiêu mở rộng thêm khoảng 800 - 1.200 số lượng cửa hàng WinMart+. Từ đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần khoảng 36.000 tỷ đồng – 40.500 tỷ đồng, tăng 23% - 38% so với cùng kỳ..
WinCommerce kỳ vọng nới rộng biên lợi nhuận gộp bằng cách hợp tác với các nhà cung cấp để đưa ra thị trường các nhãn hàng riêng, có giá thành phải chăng dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, sau đại dịch, người tiêu dùng có xu hướng phân bổ ngân sách từ các danh mục chi tiêu không thiết yếu kém quan trọng hơn sang các danh mục chi tiêu thiết yếu hơn.
Trong năm 2023, các chuyên gia nhận định, mặc dù nhu cầu chậm lại, các nhà bán lẻ tạp hóa sẽ không dừng việc mở cửa hàng mới, nhưng tốc độ sẽ chậm hơn so với các kế hoạch lạc quan trước đó.
Riêng trong giai đoạn đầu năm nay, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao nên hoạt động thương mại và dịch vụ sẽ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, báo cáo của Tổng Cục thống kê cho thấy, tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5%).