Công nghệ

Hàng triệu USD được thu hồi từ vụ hack Axie Infinity

Việc thu hồi do cơ quan điều tra tội phạm kinh tế và môi trường của Na Uy Økokrim thực hiện và công bố hôm 16/2. Økokrim xác nhận đây là vụ tịch thu tài chính lớn nhất từng được thực hiện tại nước này, với trị giá khoảng 5,8 triệu USD. Số tiền bị thu giữ khi đang trong quá trình chuyển đổi sang đồng USDT trên một sàn giao dịch.

Cảnh sát Na Uy cho biết, kể từ khi vụ hack xảy ra vào tháng 3/2021, họ đã phối hợp với FBI "theo dõi suốt ngày đêm" hoạt động rửa tiền của tội phạm. Điều này không chỉ giúp người chơi lấy lại tiền, mà còn ngăn chặn hacker dùng tiền vào các mục đích xấu ngoài đời thực.

Khi được hỏi tại sao lại điều tra một vụ hack liên quan đến công ty Việt Nam, người phát ngôn của Økokrim nói khoảng 750 người Na Uy có tiền trong Axie Infinity khi vụ hack xảy ra.

Giao diện Axie Infinity. Ảnh: Sky Mavis

Giao diện Axie Infinity. Ảnh: Sky Mavis

"Trường hợp này cho thấy chúng tôi hoàn toàn có thể theo dõi tiền điện tử trên blockchain, bất chấp việc tội phạm sử dụng các phương pháp che giấu tiên tiến", cơ quan này tuyên bố. Số tiền sẽ được chuyển cho Sky Mavis, công ty Việt phát triển Axie Infinity, để hoàn trả cho các nạn nhân.

Trên Twitter, nhà đồng sáng lập Aleksander Larsen của Sky Mavis xác nhận thông tin và cho biết Binance cũng đóng góp lớn khi đã phát hiện và đóng băng khoản tiền nói trên.

Đây là lần thứ hai cảnh sát thu hồi thành công tiền số từ vụ hack Axie Infinity. Tháng 9 năm ngoái, FBI tuyên bố lấy lại được 30 triệu USD. Vụ hack vào cầu nối Ronin của game Axie Infinity diễn ra vào tháng 3 năm ngoái, với 173.600 Ethereum cùng 25,5 triệu USDC đã bị lấy đi. Số tiền điện tử này lúc đó tương đương 615 triệu USD, khi giá của đồng ETH là 3.400 USD. Đến nay, ETH chỉ có khoảng 1.700 USD.

Sky Mavis do kỹ sư người Việt là Nguyễn Thành Trung đồng sáng lập. Sau vụ hack, công ty khẳng định sẽ hoàn trả đầy đủ tiền cho người dùng dù có thể kéo dài hàng năm. Sự cố trở thành một trong những vụ tấn công tiền số lớn nhất thế giới. Theo điều tra, hacker đã thực hiện bằng cách lừa đảo một nhân viên công ty qua mạng xã hội, từ đó cài mã độc và xâm nhập vào hệ thống.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm