Một con sứa chết trôi dạt vào bãi biển ở Cox’s Bazar, Bangladesh - Ảnh: DHAKA TRIBUNE
Theo Hãng tin Anadolu Agency ngày 13-8, cái chết bất thường của các sinh vật biển với số lượng lớn như vậy đã khiến các chuyên gia và quan chức tại quốc gia Nam Á này lo ngại.
Ông Fazlul Quader Chowdhury - cư dân huyện Cox's Bazar (phân khu Chittagong, đông nam Bangladesh), và là chủ tịch chi nhánh Cox's Bazar của Phong trào Môi trường Bangladesh (BAPA) - cho biết ông đến thăm Cox's Bazar và phát hiện hàng trăm con sứa chết trên bãi biển vào tuần trước.
"Chúng tôi sống ở Cox’s Bazar, gần bãi biển, chưa bao giờ chứng kiến sứa chết với số lượng lớn như vậy" - ông nói.
Ông Deepak Sharma, chủ tịch Hội đồng Bảo tồn rừng và môi trường Cox's Bazar, cho biết sứa thường chết với số lượng nhỏ vào mùa đông, còn lượng lớn sứa chết vào mùa mưa hoặc mùa đánh bắt là điều bất thường.
"Chúng tôi đã nhìn thấy những con sứa chết trôi dạt vào bờ ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt của chính phủ Bangladesh kết thúc, và hàng trăm tàu đánh cá ra khơi ở Vịnh Bengal. Chúng tôi nghi ngờ các sinh vật biển này mắc vào lưới đánh cá ở các vùng biển sâu, chết và trôi dạt vào bãi biển" - ông Sharma nói.
Ông thông tin thêm: "Ngư dân thường không bắt hoặc bán sứa bị mắc lưới đánh cá. Họ thả chúng xuống biển, dù sống hay đã chết".
Số lượng sứa chết được tìm thấy đã giảm trong tuần này. Ông Sharma cho rằng ô nhiễm môi trường biển cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra cái chết của chúng.
Gần đây, nhiều cá voi sống ở biển sâu và cá heo cũng được phát hiện chết trên bờ biển. Các chuyên gia cho rằng điều này có nghĩa là Vịnh Bengal đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tình trạng ô nhiễm như vậy cũng là mối đe dọa ngày càng tăng đối với chính sách "Nền kinh tế xanh" của Bangladesh - chính sách được kỳ vọng mang lại cho nước này những triển vọng và tiềm năng to lớn.
"Rất nhiều người vô lương tâm đã đổ chất thải xuống Vịnh Bengal, tiếp tục gây ô nhiễm cho vịnh này. Trong khi đó, chúng tôi có bằng chứng về việc Myanmar đổ chất thải ở tuyến biển Bangladesh, khi chất thải trôi tới bãi biển Bangladesh gần đây. Tất cả những điều này khiến biển bị ô nhiễm và đặt ra rủi ro cho hệ sinh thái biển " - ông Fazlul Quader Chowdhury nói.