Chứng khoán

Hàng loạt doanh nghiệp dính tin đồn, giá trị vốn hoá bốc hơi

Những thông tin chưa kiểm soát và không đúng sự thật lan truyền đã khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giảm điểm mạnh nhiều phiên gần đây, thậm chí mất mốc 1.000 điểm và “bốc hơi” hàng tỷ USD.

Mới nhất, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch Chứng khoán VNDirect (VND) – tiếp tục có những chia sẻ về tin đồn liên quan đến việc Công ty mất khả năng thanh toán trái phiếu doanh nghiệp Tập đoàn Trung Nam. Trước đó, VND đã có phản hồi rằng những tin đồn xuyên tạc vô căn cứ đó đã khiến cho cổ phiếu VND và nhiều doanh nghiệp tốt khác trên TTCK bị bán tháo. Do nhà đầu tư không đủ thông tin có thể hành xử phù hợp, dẫn đến gây tổn thất nghiêm trọng đến an toàn hoạt động của thị trường và các định chế tài chính trung gian.

Được biết, tin đồn trên kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu VND trên thị trường. Thậm chí, phiên 25/10, VND xuất hiện lệnh bán sàn lên đến 33 triệu đơn vị. VND theo đó là một trong số cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất trên TTCK trong thời gian gần đây, với mức giảm 25% chỉ sau 5 phiên sàn liên tiếp. Vốn hoá tương ứng "bốc hơi" gần 4.300 tỷ đồng.

“VND không gặp khó khăn về thanh khoản trái phiếu của Trung Nam. Trên thực tế, lượng trái phiếu VND phát hành rất nhỏ so với quy mô vốn của Công ty” , bà Hương khẳng định. VND cũng đang phối hợp và làm việc với cơ quan chức năng để truy tìm và xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, cũng như xử lý các đối tượng có hành vi thao túng thị trường để xử lý nghiêm nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hàng loạt doanh nghiệp dính tin đồn, giá trị vốn hoá bốc hơi - Ảnh 1.

Giảm sàn liên tiếp 5 phiên (tính đến hôm nay ngày 26/10) và bốc hơi hàng ngàn tỷ vốn hoá còn có loạt mã bất động sản, đơn cử DIG - DIC Corp, KBC - Kinh Bắc, CEO – Tập đoàn C.E.O và DXG của Đất Xanh. Những sự kiện gần đây và lo lắng về nguy cơ “vỡ nợ” trái phiếu đến hạn khiến tâm lý cổ đông dễ bị tác động bởi tin đồn.

Phản ứng với đà bán tháo, phía DIG có bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó chủ tịch HĐQT, đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 3,61% lên 6,89% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 7/10 đến 4/11/2022. Được biết, bà Huyền là con gái ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp.

Đáng chú ý, người nội bộ khác là ông Nguyễn Hùng Cường (anh trai bà Huyền), Phó Chủ tịch HĐQT, liên tục đăng ký mua cổ phiếu. Song thực tế, ông Cường không mua vào cổ phiếu với lý do giá thị trường không phù hợp hoặc không thu xếp kịp tài chính, dù thị giá DIG trong xu hướng giảm liên tục.

Hàng loạt doanh nghiệp dính tin đồn, giá trị vốn hoá bốc hơi - Ảnh 2.

Chủ tịch DXG là ông Lương Trí Thìn hôm 24/10 cũng công bố thông tin đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu DXG, với mục đích nâng tỷ lệ sở hữu vốn từ 18,86% (tương đương gần 114,9 triệu cổ phiếu) lên 20,5% (tương đương gần 124,9 triệu cổ phiếu). Ghi nhận, DXG lao dốc từ mức giá đỉnh 46.000 đồng/cp, hiện đang giao dịch với mức giá sàn 12.050 đồng/cp, tương ứng giảm hơn 70% kể từ đỉnh. Đáng nói, đây cũng là vùng giao dịch thấp nhất trong vòng gần 2 năm trở lại đây (từ 31/12/2020). Tạm tính theo giá này, ông Lương Trí Thìn sẽ chi khoảng 139 tỷ đồng nếu giao dịch thành công.

Hàng loạt doanh nghiệp dính tin đồn, giá trị vốn hoá bốc hơi - Ảnh 3.

Một sự kiện khác cũng được quan tâm, Công an Tp.HCM đã lên tiếng bác bỏ thông tin "xác minh dự án Izumi City và Aqua City". Khi, sự lan truyền của một số tài khoản mạng xã hội lan truyền đã tạo tâm lý hoang man cùng làn sóng bán tháo trên thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản và lĩnh vực liên quan mật thiết xây dựng.

Điển hình là mã HBC của Xây dựng Hoà Bình. Tăng tốc trong năm 2021 và trở thành đơn vị dẫn đầu ngành về quy mô doanh thu, HBC đang đứng trước áp lực “kéo theo” rất lớn. Cổ phiếu HBC liên tục giảm điểm, chốt phiên 26/10 tại mức 10.050 đồng/cp. Nhiều nhà đầu tư theo đó cảm thấy khó hiểu về sự sụt giảm mạnh trong khi hoạt động kinh doanh Công ty bình thường.

Nguyên nhân không chỉ do những lo ngại về thị trường, bức tranh kinh doanh khi dòng vốn không còn rẻ… tin đồn liên quan dự án Aqua City cũng là yếu tố chính kích hoạt làn sóng bán mạnh cổ HBC những phiên gần đây.

Chủ đầu tư dự án là Novaland, và HBC được chọn là nhà thầu chính. Dự án này nằm trong ký kết chiến lược giữa hai bên hồi đầu năm nay, cho các cụm dự án trọng điểm của Novaland giai đoạn 2022-2025.

Phía HBC cũng nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh của Công ty triển khai theo kế hoạch. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 35 năm mới đây, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải chính thức công bố mục tiêu doanh thu 20 tỷ USD trong năm 2032. Hiện, các công trình do HBC thi công được phủ rộng tại 49/63 tỉnh thành trong cả nước và đã có mặt ở 2 quốc gia Malaysia và Myanmar.

“HBC đã chuẩn bị kế hoạch giai đoạn phát triển trong 10 năm tới (2022-2032) với định hướng phát triển ra thị trường nước ngoài. Theo đó, đến năm 2032, doanh thu HBC đạt xấp xỉ 20 tỷ USD, lợi nhuận gần 1 tỷ USD”, ông Hải nói.

Trở lại với tin đồn và ảnh hưởng đến việc đầu tư, người trong cuộc khuyến cáo cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý cần có những ứng xử kịp thời hơn, không nên có tâm lý “mặc kệ”. Về phía nhà đầu tư, các chuyên gia cũng khuyên để tồn tại lâu dài trên thị trường, ngoài kiến thức và kinh nghiệm, nhà đầu tư cũng cần có lập trường riêng và tâm lý vững, tránh bị dẫn dắt. Bởi, cổ phiếu tốt sẽ đến từ doanh nghiệp có sức khỏe tài chính và tiềm lực, chứ không phải dựa vào tin đồn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm