Sau hai năm đại dịch, năm 2022, Việt Nam tiếp tục là một trong những nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh hàng đầu thế giới. Thậm chí, Việt Nam còn đứng số một về mức hồi phục theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) hồi giữa năm.
Tuy nhiên, hoạt động của các hãng bay vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó giá nhiên liệu tăng đột biến là rào cản hàng đầu với đà phục hồi của doanh nghiệp. Năm 2021, giá nhiên liệu bay bình quân khoảng 72 USD một thùng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, giá xăng Jet A1 có thời điểm leo tới hơn 160 USD. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay khoảng 130 USD một thùng.
Giá nhiên liệu tăng cao khiến "anh cả" của ngành hàng không - Vietnam Airlines - càng bay, càng lỗ. Khác với hai năm trước đó, hãng bay này lỗ do phần lớn đội tàu bay phải "nằm đất" nhiều tháng vì dịch bệnh.
Báo cáo tài chính năm 2022, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất gần 71.000 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động vận tải 51.464 tỷ. Con số này lớn hơn cả hai năm 2020 và 2021 cộng lại và tương đương 70% mức trước dịch. Thế nhưng, hãng hàng không quốc gia vẫn lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Luỹ kế đến hết năm ngoái, Vietnam Airlines lỗ hơn 34.000 tỷ đồng.
Tương tự, báo cáo tài chính công ty mẹ Vietjet cho thấy doanh thu thuần trong quý cuối năm tăng gấp hơn 2,7 lần, nhưng hãng vẫn lỗ gộp khoảng 3.335 tỷ đồng. Công ty mẹ Vietjet ghi nhận giá vốn bán hàng tăng 4,6 lần cùng kỳ, lên hơn 10.680 tỷ, trong đó chi phi khai thác thác bay chiếm hơn 98% với 10.540 tỷ đồng.
Hợp nhất kết quả kinh doanh cả năm 2022, Vietjet đạt doanh thu khoảng 39.340 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần năm 2021. Dù vậy, hãng bay này vẫn lỗ gộp 2.166 tỷ do giá vốn cả năm khoảng 41.500 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2,8 lần năm trước đó. Trong giải trình kết quả kinh doanh quý IV/2022, lãnh đạo Vietjet cũng cho biết việc Chính phủ xem xét tháo dỡ giá trần và cho phép phụ thu xăng dầu là rất cấp thiết nhằm giúp tăng cường nội lực, cạnh tranh cho các hãng hàng không nội địa trong bối cảnh sự hiện diện của các hãng hàng không quốc tế tại Việt Nam dự kiến tăng mạnh năm nay.
Hai hãng bay ra đời sau - Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng không thể có lãi trong năm vừa qua với mức giá nhiên liệu trên. Đại diện Vietravel Airlines từng chia sẻ giai đoạn cao điểm hè 2022 dù tăng giá vé, hãng vẫn chưa thể bù đắp được tổng chi phí hoạt động.
Bên cạnh yếu tố nhiên liệu, việc lãi suất tăng, USD tăng giá cũng làm hoạt động của các hãng bay thêm khó khăn. Bởi theo lãnh đạo Vietnam Airlines, phần lớn hợp đồng thuê bay đều được trả bằng USD, trong khi các đồng tiền bản địa ở các nước hãng đang có đường bay đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... lại bị mất giá mạnh.
Đến 31/12, theo báo cáo tài chính, Vietnam Airlines lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 2.247 tỷ, gấp đôi so với chi phí lãi vay. Năm 2021, khoản mục này của hãng chỉ lỗ khoảng 173 tỷ đồng. Vietjet cũng ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện xấp xỉ 570 tỷ đồng chỉ trong quý IV, trong khi cùng kỳ chỉ tiêu này chưa đến 4 tỷ đồng.
Thị trường quốc tế phục hồi chậm, chưa như kỳ vọng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động các hãng hàng không. Theo thống kê của Cục Hàng không, năm ngoái, các hãng trong nước vận chuyển 11 triệu khách quốc tế, tăng 22 lần so với 2021, nhưng vẫn chưa bằng 30% năm 2019.
Như với thị trường Trung Quốc, đến đầu năm 2023, các hãng mới có thể dần khai thác trở lại một số đường bay thường lệ. Trước năm 2020, đây là thị trường quốc tế mang lại nguồn thu hàng đầu cho các hãng hàng không Việt Nam khi chiếm hơn 30% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam.
Trái ngược với tình trạng khó khăn của các hãng bay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phụ trợ hàng không bắt đầu lãi lớn trở lại nhờ lượng khách nội địa tăng gấp 3,7 lần năm 2021, lên 55 triệu lượt.
Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco), đơn vị kinh doanh các dịch vụ thương mại tại sân bay có mức tăng trưởng vượt xa kế hoạch. Doanh thu của Sasco khoảng 1.400 tỷ đồng, gấp bốn lần cùng kỳ năm trước 2021. Lợi nhuận trước thuế cả năm xấp xỉ 230 tỷ đồng, gấp 77 lần
Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) còn có doanh thu tăng cao hơn mức trước dịch, với hơn 850 tỷ đồng. SCS lãi trước thuế 696 tỷ đồng, tăng 15% so với 2021 và gần 30% so với 2019. Tương tự, doanh thu của Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) cũng tăng gấp đôi lên xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Lãi trước thuế tăng gấp gần 3 lần năm 2021 lên mức khoảng 172 tỷ đồng.
Còn ông lớn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt doanh thu hơn 13.900 tỷ đồng, cao hơn hai năm trước đó gộp lại khoảng 1.000 tỷ đồng. Tổng lượng hành khách qua 22 sân bay thuộc quản lý của ACV đạt 99 triệu lượt, tăng 228% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lượt cất hạ cánh tăng 125% lên 658.000 chuyến bay
Cả năm 2022, ACV lãi trước thuế hơn 8.800 tỷ trong, trong khi cùng lãi chưa đến 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này lý giải ngoài việc thị trường phục hồi, doanh thu tăng mạnh cũng do các chính sách giá dịch vụ của ACV hỗ trợ các hãng bay, đơn vị kinh doanh dịch vụ tại cảng trong giai đoạn dịch đến năm ngoái đã chấm dứt. Đồng thời, các doanh nghiệp ACV có nắm giữ cổ phần như Sasco, SCS, SGN tăng lãi mạnh cũng tác động tích cực với đại gia sân bay này.