Nhà máy của MK Vision thuộc tổ hợp nhà máy của MK Group, được xây dựng trên diện tích 1,5 ha tại Khu công nghiệp Thăng Long (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Tại lễ khánh thành tổ hợp nhà máy sáng 11/11, đại diện MK Vision cho biết đây sẽ là nơi sản xuất các loại camera chuyên phục vụ mục giám sát giao thông, nghiệp vụ an ninh.
Theo ông Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị của MK Group, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc làm chủ công nghệ lõi và tự sản xuất là những yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng cạnh tranh của một doanh nghiệp.
"Nhà máy này giúp MK Vision có thể tự chủ trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ và không phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài", ông Khang cho biết. Cùng với nhà máy Hi-Tek chuyên sản xuất thiết bị đầu đọc e-ID và sinh trắc học, thiết bị mạng, tổng công suất của tổ hợp nhà máy có thể đạt 4 triệu thiết bị mỗi năm.
Bốn loại camera đầu tiên sẽ được sản xuất tại nhà máy gồm camera giám sát giao thông, camera hành trình, camera gắn trên người và camera đặt tại cửa ra vào. Các sản phẩm đều được trang bị khả năng xử lý tại biên, tức dữ liệu được xử lý ngay trên camera thay vì phải truyền về máy chủ trung tâm như nhiều loại camera khác.
Theo ông Lê Tuấn Khôi, Phó giám đốc MK Vision, giải pháp xử lý tại biên giúp giải quyết được một số bài toán lớn hiện nay của các hệ thống camera, gồm tốc độ xử lý, hạ tầng.
Ví dụ với camera giao thông, sản phẩm của đơn vị có khả năng nhận diện biển số, phát hiện vi phạm tốc độ ngay trên camera, đồng thời có thể hoạt động ở bất cứ đâu nhờ năng lượng mặt trời và kết nối mạng di động. Body camera là loạt gắn trên người nhân viên an ninh khi làm nhiệm vụ, có khả năng nhận diện khuôn mặt để phát hiện người bị truy nã. Ngoài ra, camera của hãng cũng được kết nối với nền tảng xác thực của Bộ Công an để xác thực CCCD.
"Trong bối cảnh 90% camera giám sát trên thị trường là sản phẩm Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, những yếu tố trên sẽ giúp sản phẩm Việt có thể cạnh tranh", ông Khôi nói.