Cô Lee, một nữ nhân 24 tuổi xin giấu tên làm việc cho một hãng tài chính ở Hàn Quốc cho biết kể từ khi công ty quy định mỗi tuần làm không quá 52 tiếng, việc về nhà đúng giờ trở nên... kỳ quặc trong mắt đồng nghiệp.
"Bất chấp giới hạn 52 tiếng như đã quy định, nhiều đồng nghiệp lớn tuổi hơn tôi vẫn ở lại làm thêm giờ. Bởi vậy mỗi khi tôi định rời văn phòng lúc 6h chiều, họ luôn nói mát rằng: ‘Trước đây, chúng tôi thậm chí còn chẳng có giới hạn 52 tiếng/tuần, có khi còn phải làm thâu đêm’. Họ chẳng bắt tôi ở lại nhưng cư xử cứ như tôi không chăm chỉ vậy, thật bất công", cô Lee bức xúc.
Điều trớ trêu là những đồng nghiệp trên chỉ hơn cô Lee có vài tuổi, tức chưa đến 30 chứ đừng nói gì những người ở độ tuổi 40-50.
Trong xã hội Hàn ngày nay, những đồng nghiệp cậy lớn tuổi hơn một chút để áp đặt quan điểm của mình lên người khác dù không thông minh hay tài giỏi hơn bị gọi là "kkondae trẻ". Từ "kkondae" là tiếng lóng để nói về thái độ hơn là nhấn mạnh sự phân biệt tuổi tác khi có rất nhiều những đồng nghiệp "cậy già" dù chưa đến 30 tuổi.
Văn hoá kkondae
Sự phát triển của từ lóng "kkondae" song hành cùng sự phổ biến của văn hóa âm nhạc, giải trí Hàn Quốc. Đất nước xứ sở kimchi này vốn có truyền thống coi trọng người lớn tuổi và việc hỏi tuổi của người khác chẳng có gì bất lịch sự dù điều này thường tối kỵ tại nhiều nền văn hoá.
Truyền thống kính già yêu trẻ này được phản ánh rõ nét trong các bộ phim, phóng sự hay những video về đất nước Hàn Quốc khi người trẻ phải biết chào hỏi, lễ độ, kính trọng và nghe lời người lớn tuổi hơn bất kể họ có tài giỏi đến đâu.
Chính điều này đã tạo nên những người có ảo tưởng rằng họ có quyền lực hơn người khác nhờ số tuổi.
"Tôi cho rằng kkondae là những người nhìn nhận mối quan hệ theo chiều dọc hơn là chiều ngang", Giáo sư tâm lý học Lim Myung Ho của trường đại học Dankook University nhấn mạnh.
Theo giáo sư Lim, những kkondae không coi mọi người bình đẳng trong mối qua hệ xã hội. Họ luôn cho rằng những người lớn tuổi hơn như mình sẽ có nhiều kinh nghiệm sống hơn, thời gian làm việc lâu hơn và hiểu biết nhiều hơn nên có quyền sai khiến và áp đặt quan điểm lên người khác.
Tất nhiên, kkondae ám chỉ đến thái độ trong mối quan hệ xã hội chứ không nói đến độ tuổi nhất định nên điều này có thể diễn ra ở mọi nơi, mọi độ tuổi. Thậm chí ngay cả trong lớp trẻ cũng sẽ có những kkondae cậy mình lớn tuổi hơn để sai khiến người khác.
Ảnh minh hoạ
Một khảo sát năm 2020 cho thấy 71% số người trả lời rằng công ty của họ có ít nhất 1 kkondae trẻ.
"Bất kỳ tổ chức nào tại Hàn Quốc hiện nay cũng có hiện tượng kkondae, thậm chí kể cả trường học. Tại công sở thì kkondae dựa trên số năm làm việc, còn ở trường học là số năm ngồi trên ghế nhà trường. Chỉ cần một chút xíu chênh lệch thôi cũng đủ để khiến một người có thái độ kkondae", Giáo sư Kwak Geum Joo của trường đại học quốc gia Seoul nhận định.
Bạo lực học đường, bắt nạt công sở
Theo giáo sư Kwak, việc xác định tuổi tác là điều rất quan trọng ở Hàn Quốc để dùng văn phong nói chuyện cho đúng. Bởi vậy việc hỏi tuổi là điều cần thiết ở đây dù chúng khá bất lịch sự tại nhiều nước.
"Chúng tôi luôn phải chú ý đến vấn đề tuổi tác trong cuộc sống hàng ngày", giáo sư Kwak nói.
Tuổi tác đã trở thành yếu tố trung tâm của xã hội Hàn. Ngay cả trong các chương trình giảng dạy, những đứa bé 5-7 tuổi cũng đã phải học cách hỏi tuổi của nhau để xưng hô cho đúng.
Giáo sư Kwak cho biết sự ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo từ Trung Quốc đã khiến quan niệm người già thông minh và kinh nghiệm hơn ăn sâu vào đời sống xã hội, qua đó cho họ quyền sai khiến và áp đặt lớp trẻ.
Bên cạnh đó, xã hội Hàn có sự phân hóa rất cao về đẳng cấp. Trong khi những đồng nghiệp tại Phương Tây gọi nhau bằng tên thì ở Hàn Quốc, mọi người thường gọi nhau bằng chức danh hoặc phân cấp tuổi tác để gọi. Chính điều này đã tạo ra sự bắt nạt và mâu thuẫn trong công sở Hàn Quốc hay tại bất kỳ tổ chức, đoàn thể nào.
Kkondae xuất hiện cả trong trường học Hàn Quốc
Thậm chí, ngay cả việc gia nhập quân ngũ cũng trở thành cái cớ để kkondae phát triển. Nhiều nam giới Hàn cho rằng việc mình từng phục vụ trong quân đội khiến họ "cao cấp" hơn những người chưa từng đi lính dù đã rời quân ngũ rất lâu.
Tờ Korea JoongAng Daily từng chia sẻ câu chuyện của một du học sinh Hàn Quốc tại New Zealand. Theo đó cô đến New Zeraland học và gặp một số du học sinh Hàn lớn tuổi hơn nhưng chẳng quen biết nhiều. Thế rồi những người này gọi các bạn học sinh nữ mới tới ra gặp riêng, bắt một người quỳ xuống xin lỗi rồi tát tới tấp.
"Họ nói với chúng tôi rằng đây là một bài học. Nếu lần sau chúng tôi không chào hỏi họ đúng cách thì sẽ cạo sạch lông mày", nữ du học sinh giấu tên chia sẻ.
Những "ông cụ non"
Theo các chuyên gia, ngày nay nạn kkondae khó giải quyết hơn ở lớp trẻ. Những người già thực sự thường không sinh hoạt chung với lớp trẻ nên sự xung đột thường ít hơn. Thế nhưng những kkondae trẻ lại thường xuyên tiếp xúc với người cùng tuổi và gây nên nhiều mâu thuẫn.
"Những kkondae tầm 20-30 tuổi phiền phức hơn nhiều bởi tôi phải tiếp xúc với họ nhiều hơn do cùng tuổi tác lẫn cấp bậc. Họ là những người trực tiếp quản lý tôi nên sẽ tạo hậu quả nặng nề hơn so với những kkondae già tách biệt ở lớp quản lý tầm trung", cô Lee thừa nhận.
Với những sếp già có tính kkondae, cô Lee chỉ cần gật đầu và tôn trọng những gì họ nói. Thế nhưng những kkondae trẻ lại còn muốn chứng minh quan điểm của mình đúng và người khác thì sai nên họ sẽ can thiệp vào cuộc sống, công việc của đồng nghiệp.
Ảnh minh hoạ
Tất nhiên, không phải ai cũng thích làm kkondae khi đơn giản là những nhân viên mới chưa đáp ứng được nhu cầu công việc.
"Công ty của tôi mới thuê thêm vài nhân viên trẻ. Cấp dưới của tôi cũng vậy và do quen thói làm việc trước kia ở nơi cũ nên cô ấy chậm và mắc khá nhiều lỗi. Những lúc như vậy tôi lại phải là người chịu trách nhiệm, hệ quả là tôi luôn phải góp ý cách làm việc dù chẳng thích mình trở thành kkondae như thế này chút nào", một quản lý ngoài 20 tuổi cho một hãng quan hệ công chúng thừa nhận.
*Nguồn: Korea Jonggang Daily