Tại tọa đàm "Chủ động đón vận hội mới" tổ chức ngày 14/9, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối chứng khoán Dragon Capital bàn về câu chuyện tăng trưởng thông qua ba lĩnh vực gồm tiêu dùng, sản xuất và bất động sản.
Về tiêu dùng, qua thu thập số liệu lượng khách ra vào trong sân bay, có thể thấy du khách nước ngoài tăng trở lại nhưng khách trong nước không tăng nhiều, cho thấy khu vực dịch vụ yếu, chưa phục hồi mạnh.
Ngoài ra dữ liệu về hóa đơn đi siêu thị của người dân và tăng trưởng hàng tiêu dùng không thiết yếu cho thấy sức mua chưa phục hồi quá mạnh, mới chỉ tạo đáy trong tháng 6.
Về sản xuất, chỉ số PMI đã lên trên ngưỡng 50 lần đầu trong 6 tháng. Lượng container di chuyển khỏi các cảng bắt đầu phục hồi cho thấy sản xuất có sự phục hồi nhất định.
Tuy nhiên tiêu thụ điện 8 tháng đầu năm chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ đồng nghĩa với việc sản xuất và tiêu dùng có yếu đi.
Nói đến thanh khoản của thị trường bất động sản, đại diện Dragon Capital cho rằng cần quan sát con số thuế đã thu từ bất động sản.
Dữ liệu về lượng thuế đã thu từ lĩnh vực bất động sản cho thấy mức sụt giảm đáng kể trong nửa cuối năm 2022, xuống thấp nhất trong quý I/2023, và quý II/2023 đang tăng trở lại cho thấy thị trường đã tan băng, có sự phục hồi nhẹ.
Dù bức tranh vẫn chưa nhiều điểm sáng, tuy nhiên theo ông Lê Anh Tuấn, có hai tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế nhìn từ tỷ lệ lãi suất cho vay cầm cố trên thu nhập và tiền gửi không kỳ hạn của các ngân hàng.
"Lãi suất cho vay cầm cố đã giảm, ví dụ với khoản vay 2 tỷ đồng nếu như trước kia người vay phải dành đến 70% cho trả lãi vay, chỉ còn 30% cho tiêu dùng, thì nay khoản dành cho tiêu dùng này tăng lên. Điều này chắc chắn sẽ kích thích tiêu dùng", ông nói.
Ngoài ra chỉ số CASA của các ngân hàng bắt đầu tăng lên lại cho thấy dòng tiền bắt đầu chạy trong nền kinh tế.
Nhận định chung về ba lĩnh vực, ông Anh Tuấn cho rằng bất động sản đã tan băng, sản xuất thoát đáy nhưng tốc độ hồi phục chưa rõ ràng, tiêu dùng chạm đáy rõ rệt tuy nhiên phục hồi cũng chưa rõ nét.