Chiều 16/7, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng hai tập đoàn bán dẫn lớn của Mỹ là Qorvo và Cadence đã tổ chức Lễ Khai giảng Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch và Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa NIC với hai tập đoàn.
Theo đó, hai tập đoàn hàng đầu về bán dẫn của Mỹ sẽ cử chuyên gia, giảng viên và hỗ trợ bản quyền phần mềm giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia cao cấp, giảng viên, sinh viên xuất sắc cho ngành bán dẫn.
Cụ thể, tập đoàn Qorvo cung cấp giảng viên, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và chương trình đào tạo của tập đoàn theo tiêu chuẩn Mỹ. Tập đoàn Cadence thì hỗ trợ bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch phục vụ chương trình đào tạo cho các học viên khi tham gia quá trình học tập ba tháng tại NIC.
Trong đó, Qorvo là nhà cung cấp chip bán dẫn Mỹ chuyên về nguồn và kết nối, với hơn 8.500 nhân sự trên toàn cầu, doanh thu đạt 3,77 tỷ USD trong năm tài khóa 2024. Năm 2022, tập đoàn này được Hiệp hội bán dẫn toàn cầu GSA trao danh hiệu "công ty chip bán dẫn được đánh giá cao nhất". Qorvo đã có mặt tại Việt Nam trong nhiều năm với vai trò là một đơn vị thiết kế chip.
Candence là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế hệ thống điện tử, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong phần mềm tính toán. Công ty áp dụng chiến lược thiết kế hệ thống thông minh để cung cấp phần mềm, phần cứng và IP nhằm biến các ý tưởng thiết kế vào thực tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong bối cảnh xu hướng chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, như vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động trẻ am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, đặc biệt là cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và môi trường đầu tư thuận lợi.
Đặt mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và thiết kế vi mạch có tên tuổi trong khu vực và trên thế giới, Bộ trưởng nhấn mạnh cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.
Chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch cùng các hoạt động hợp tác khác được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực nguồn nhân lực, từng bước hiện thực hóa Đề án "Phát triển Nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".