Ngày 2/9 vừa qua, FTSE đã công bố danh mục FTSE Vietnam All-share và FTSE Vietnam Index, theo đó: FTSE đã thêm 2 cổ phiếu CTR, VGC và loại bỏ cổ phiếu HT1 ra khỏi danh mục FTSE Vietnam All-share đồng thời loại bỏ 2 cổ phiếu KDH, SBT ra khỏi chỉ số FTSE Vietnam Index và không thêm mới cổ phiếu nào.
Ngày 9/9/2022, MVIS cũng đã công bố danh mục điều chỉnh trên cơ sở ETF VNM thực hiện tham chiếu, theo đó quỹ thêm mới 1 cổ phiếu là HAG đồng thời loại bỏ 2 cổ phiếu CEO, APH ra khỏi danh mục. Danh mục MVIS Vietnam Index hiện có 58 cổ phiếu, trong đó có 44 cổ phiếu Việt Nam và 14 cổ phiếu nước ngoài.
Ngày 16/9/2022, 2 quỹ ETF tham chiếu tương ứng theo 2 bộ chỉ số sẽ hoàn thành việc cơ cấu danh mục. Trên cơ sở đó, danh mục Quỹ ETF VNM và FTSE Vietnam dự kiến thay đổi đối với các cổ phiếu Việt Nam như sau:
Theo ước tính của Chứng khoán BSC, với việc bị loại ra khỏi rổ FTSE Vietnam Index, cổ phiếu KDH của Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền và SBT của Thành Thành Công - Biên Hòa bị FTSE Vietnam ETF bán ròng lần lượt gần 3,48 triệu và hơn 3,01 triệu đơn vị. Tổng cộng hai quỹ ETF sẽ bán khoảng 892.878 cp KDH và 2,58 triệu cp SBT.
Trong khi đó, VNM ETF cũng dự kiến bán 1,51 triệu cp CEO và 1,34 triệu đơn vị APH. Với những mã được thêm vào, dự báo HAG được VNM ETF giải ngân mua gần 4,55 triệu cp.
Tuy nhiên, tổng hợp những mã được hai ETF giao dịch nhiều nhất, cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect dẫn đầu về khối lượng mua ròng với hơn 2,94 triệu cp. Trong đó, FTSE Vietnam ETF mua ròng hơn 1,17 triệu cp còn VNM ETF gom ròng 1,77 triệu đơn vị. Trong nhóm chứng khoán, ngoài VND, những cổ phiếu khác cũng được mua ròng trong đợt cơ cấu này là SSI (1,17 triệu cp), VCI (593.995), VIX (901.610).
Những mã được mua vào nhiều nhất với quy mô trên 1 triệu cp còn có VCB của Vietcombank với khối lượng gần 2,48 triệu cp, theo sau là POW (2,03 triệu cp), VNM (1,86 triệu cp), NVL (1,61 triệu cp), SHB (1,71 triệu cp), DIG (1,42 triệu cp).
So với khối lượng giao dịch bình quân phiên của mỗi mã trên, lượng đặt mua như ước tính chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, có những mã chiếm chưa đến 10% thanh khoản mỗi ngày.
Theo ước tính của Chứng khoán BSC, những mã cổ phiếu được mua vào với khối lượng hàng trăm nghìn đơn vị còn có VHM, MSN, SAB, VCI, DPM, PVS, VPI, VIX, PVD, SHS. Hai mã VHC và HNG được mua ít nhất với khối lượng dưới 90.000 cp.
Ở chiều bán ra, cổ phiếu STB của Sacombank dẫn đầu với khối lượng rút ròng gần 9,43 triệu đơn vị, theo sau bỏi HPG (6,34 triệu cp).
Trừ VHM được mua ròng, hai mã chứng khoán còn lại thuộc “họ Vingroup” là VIC và VRE đều nằm trong danh sách bán ròng đợt này. Cổ phiếu VIC bị cả hai ETF bán ra với tổng giá trị gần 3,74 triệu đơn vị trong khi ước tính VRE được VNM ETF mua ròng 1,8 triệu cp, đối ứng với lực bán 2,35 triệu cp từ FTSE Vietnam ETF.
Trong nhóm bị bán ròng mạnh còn có DXG (2,82 triệu cp), VJC (1,48 triệu cp), KBC (1,27 triệu cp), SHS (1,81 triệu cp). Ước tính của Chứng khoán BSC, những mã bị bán ròng mạnh trong đợt cơ cấu danh mục quý II này còn có BCG, HSG, với khối lượng trên 500.000 đơn vị. Những cổ phiếu bị bán ròng với khối lượng thấp PLX, BVH, IDC,...