Doanh nghiệp

Hải Phát Invest muốn họp ĐHĐCĐ bất thường

CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - Mã: HPX) vừa chốt ngày 30/1 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường. Thời gian dự kiến tổ chức họp vào quý I/2023.

Nội dung cuộc họp bao gồm thông qua chủ trương thay đổi đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ nếu có.

Quyết định triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường của Hải Phát Invest trong bối cảnh cơ cấu sở hữu cổ đông có nhiều biến động và cổ phiếu về mức đáy lịch sử.

Phiên 30/11 năm ngoái, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán toàn bộ hơn 36,2 triệu cổ phiếu HPX của Hải Phát Invest, tương ứng tỷ lệ 11,9%.

Bắt đầu từ ngày 28/11/2022, gia đình ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu. Thống kê từ ngày 28/11 đến 30/12, gia đình ông Đỗ Quý Hải đã bị bán giải chấp khoảng 76 triệu cổ phiếu HPX, khoảng 25% số cổ phiếu đang lưu hành của công ty.

Trong hai ngày 27 và 28/12, ông Đỗ Quý Hải đã bán ra thành công 10 triệu cổ phiếu nhằm cơ cấu danh mục, tương ứng 3,29% số cổ phiếu đang lưu hành, tỷ lệ sở hữu giảm từ 22,32% về còn 19,03%. Mới đây, ông Hải lại tiếp tục đăng ký bán 8 triệu cổ phiếu HPX từ ngày 5/1/2023 đến ngày 3/2/2023 nhằm giảm tỷ lệ sở hữu về 16,4%.

 Cổ phiếu HPX lao dốc từ vùng 26.000 đồng/cp về còn 4.700 đồng/cp chốt phiên 6/1. (Nguồn: TradingView).

Về tình hình hoạt động kinh doanh, 9 tháng đầu đầu năm nay, Hải Phát Invest đạt gần 1.308 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% và lãi sau thuế hơn 123 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ 2021.

Dù lợi nhuận tăng trưởng nhưng Hải Phát Invest lại tiếp tục chứng kiến chuỗi ngày âm dòng tiền. Tại ngày 30/9/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 146,4 tỷ đồng. Tình trạng này cũng diễn ra trong năm 2021 và 2020 với các con số lần lượt âm 2.980 tỷ đồng và âm 734,9 tỷ đồng. 

Trong kỳ, hoạt động của Hải Phát Invest được tài trợ nhiều bởi dòng vốn vay. Trong khi vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm từ 2.345 tỷ đồng xuống 1.519 tỷ đồng thì vay nợ dài hạn tăng từ 2.347 tỷ đồng lên 3.236 tỷ đồng.

Trong đó, tổng nợ vay tại các ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp hơn 4.754 tỷ đồng. Riêng khoản vay trái phiếu bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn chiếm hơn 3.572 tỷ đồng, giảm hơn 600 tỷ so với cuối quý II (gần 4.200 tỷ) và giảm khoảng 7% so với đầu năm (hơn 3.860 tỷ đồng).

Hải Phát Invest cho biết, hai lô trái phiếu tổng giá trị 800 tỷ đồng đáo hạn vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đã được doanh nghiệp và các nhà đầu tư ký các văn bản thỏa thuận về việc gia hạn kỳ hạn thêm 12 tháng.

Tính trong 9 tháng đầu năm, áp lực nợ vay khiến Hải Phát Invest phải chi gần 261 tỷ đồng để trả tiền lãi vay, gấp 2,8 lần con số cùng kỳ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm