Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) vừa công bố biểu lãi suất huy động tiền gửi mới, áp dụng từ ngày 18/7. Trong đó, ngân hàng này đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động tại một số kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,7%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng tăng 0,5%/năm lên 5%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2%/năm lên 5,5%/năm và kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3%/năm lên 5,6%/năm.
Ngoài các kỳ hạn trên, PGBank giữ nguyên lãi suất đối với các kỳ hạn còn lại. Trong đó, lãi suất tiết kiệm áp dụng cho kỳ hạn 1-2 tháng lần lượt là 3,2 và 3,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng có lãi suất là 5,8%/năm và mức lãi suất cao nhất 5,9%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 24-36 tháng.
Đây là lần đầu tiên PGBank tăng lãi suất huy động trong tháng 7. Trước đó, ngân hàng này đã có 2 lần nâng lãi suất tiết kiệm vào tháng 6.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) mới đây cũng tăng mạnh lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn chính.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, nhận lãi cuối kỳ – sản phẩm có lãi suất cao nhất tại PVCombank, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng đã tăng thêm 0,2%/năm lên 3,35%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,4%/năm lên 3,55%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2%/năm lên 4,5%/năm, kỳ hạn 7-11 tháng tăng 0,4%/năm lên 4,7%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của PVCombank đã chính thức vượt mốc 5%/năm đạt 5,1%/năm, sau khi tăng thêm 0,3%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 18-36 tháng cũng tăng mạnh 0,5%/năm lên 5,8%/năm, đây là mức lãi suất cao nhất đang được PVCombank áp dụng cho tiền gửi thông thường.
Với sự tham gia của PGBank và PVCombank, tính từ đầu tháng 7 đến nay, có 13 ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động. Trước đó, đã có khoảng 20 – 25 ngân hàng trên thị trường đã tăng lãi suất huy động vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6.
Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Đồng của các ngân hàng.
Trong nghiên cứu mới công bố, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, từ đầu quý 2 năm nay, mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng; và đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5 -1%/năm cho các kỳ hạn khác nhau.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết: "Theo quan điểm của chúng tôi, các diễn biến trên cho thấy chưa có sự thay đổi chính sách tiền tệ từ Cơ quan quản lý trong thời gian qua. Chúng tôi bảo lưu quan điểm đối với các diễn biến lãi suất trên thị trường. Những mức lãi suất mang tính chất thương mại (huy động từ dân cư và doanh nghiệp, thị trường liên ngân hàng…) đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, tương quan với lãi suất USD trên thị trường thế giới, với cả lợi tức đầu tư so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kim loại quý…"
Theo nhóm nghiên cứu UOB Việt Nam, các mức lãi suất thương mại nêu trên đã ở mức rất thấp trong 6 tháng cuối năm 2023 do nền kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu vốn từ nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tín dụng hệ thống ngân hàng tăng hạn chế, các kênh đầu tư khác cũng gặp khó khăn không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư.
"Tuy nhiên từ quý 2/2024, tình hình kinh tế đã có những bước cải thiện rõ rệt, và do vậy mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới.", Ông Quang nhận định.
Với mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn mức lãi suất trong những năm trước dịch bệnh; trong đó lãi suất cho các kỳ hạn dưới 6 tháng (ngắn hạn) vẫn thấp hơn mức trần quy định, ông Quang cho biết: "Chúng tôi dự báo mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25% đến 0,75% tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức khoảng từ 3% đến 6% vào cuối năm 2024. Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4% và tỷ giá USD/VND có thể biến động 4-5% trong năm 2024".
Trong báo cáo chiến lược tháng 7 mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng tỷ giá và chính sách lãi suất.
Tuy vậy, VDSC cho rằng mức tăng sẽ không đột biến như 2022 do bối cảnh vĩ mô là khác nhau. Năm 2024 còn thiếu những nhân tố gây "shock" về cầu tín dụng và sự thay đổi đột ngột về chính sách tiền tệ như năm 2022 để gây ra sự đột biến về mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, áp lực rút ròng ngoại tệ sẽ dịu lại đáng kể nếu có thêm hiệu ứng "hội tụ" về lãi suất (FED giảm lãi suất trong khi NHNN tăng lãi suất trong nửa cuối năm). Vì vậy, VDSC dự báo mặt bằng lãi suất tăng thêm khoảng 0,5 – 1,0 điểm % để trở về mức trung bình trước dịch là một kịch bản hợp lý.