Sacombank cho biết, từ ngày 12/6, nhà băng này áp dụng biểu lãi suất huy động mới đối với khách hàng cá nhân. Theo đó, lãi suất tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm 0,2-0,35 điểm %.
Cụ thể, tại kỳ hạn gửi 6 tháng, lãi suất huy động vủa Sacombank sẽ giảm 0,2 điểm % xuống 6,6%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống 7,2%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng của Sacombank giảm 0,3 điểm % xuống 7,2%/năm, kỳ hạn 36 tháng giảm 0,35 % xuống 7,45%/năm.
Tương tự với HDBank , ngân hàng cũng giảm đồng loạt lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng từ ngày 12/6, mức giảm 0,2%. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 13 tháng của HDBank chỉ còn 7,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng được giữ nguyên mức 6,9%/năm.
Hiện lãi suất huy động cao nhất của nhóm ngân hàng lớn là từ 6,8% đến 7,7%/năm.
Trong đó, những ngân hàng lớn có lãi suất top đầu có thể kể đến HDBank (7,7%/năm), SHB (7,7%/năm), VPBank (7,5%/năm), ACB (7,5%/năm). Trong khi đó, Techcombank, Sacombank, MB đã điều chỉnh xuống dưới 7,5%/năm.
Nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) có lãi suất thấp nhất thị trường, chỉ 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng gửi tại quầy. Đối với gửi online, lãi suất cao nhất tại những ngân hàng này cũng chỉ có thể đạt 7%/năm.
Nhóm ngân hàng nhỏ vẫn đang dẫn đầu về lãi suất niêm yết, cao nhất là 8,6%/năm tại GPBank, tiếp đến là ABBank (8,5%/năm).
Đa số các ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất cho hình thức tiết kiệm online, cao hơn so với gửi tại quầy từ 0,2-1%/năm. Tuy nhiên, việc huy động tiền gửi với “lãi suất ngầm” vẫn đang diễn ra. Cụ thể, khách hàng có thể thoả thuận với ngân hàng để có lãi suất huy động cao hơn so với bảng lãi suất niêm yết công khai, thông thường áp dụng cho khách hàng ưu tiên và tuỳ thuộc vào nhu cầu huy động vốn của từng chi nhánh cụ thể.
Theo dự báo của giới chuyên gia, lãi suất huy động vẫn có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trong đó, bộ phận phân tích của Chứng khoán VNDiect nhận định, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,5%/năm trong năm nay, dựa trên các lý do như nhu cầu tín dụng yếu do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành.