Mỹ, Trung Quốc đều nằm trong top 10 nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc tăng vốn đầu tư vào Việt Nam qua các năm. Trong khi đó, Mỹ có năm giảm vốn đầu tư, riêng năm 2017, vốn đầu tư từ Mỹ tăng mạnh lên đến hơn 868 triệu USD, cao nhất giai đoạn 2015 đến nay.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4 (sau Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản) về vốn đầu tư vào Việt Nam với hơn 1,4 tỷ USD, trong khi đó Mỹ xếp thứ 9 với hơn 371 triệu USD.
Từ 2015 đến nay, ngoại trừ năm 2015 xếp ở vị trí thứ 10, các năm còn lại Trung Quốc đều lọt top 5 nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, còn Mỹ trong top 16.
Tính lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/8, thì cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều nằm trong top 10. Trung Quốc có hơn 3.450 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 22,4 tỷ USD, Mỹ có hơn 1.180 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 11 tỷ USD.
Nhà đầu tư Mỹ, Trung Quốc tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Nói về dấu ấn của FDI Mỹ vào Việt Nam phải kể đến Tập đoàn General Electric (GE) với mối quan tâm trong lĩnh vực điện và năng lượng. Dự án nổi bật phải kể đến dự án xây dựng nhà máy sản xuất các linh kiện tuabin gió tại Hải Phòng.
Hồi cuối năm 2020, tập đoàn này cũng đã cam kết rót 1 tỷ USD phát triển dự án nhiệt điện khí LNG Long Sơn.
Cũng trong năm 2020 này, các tập đoàn Mỹ đã liên tục rót vốn vào mảng năng lượng tại Việt Nam.
Đầu tiên là dự án nhà máy điện khí hoá lỏng Bạc Liêu do 4 đại gia năng lượng gồm Delta Offshore Energy, Tập đoàn Bechtel, General Electric, McDermott cùng triển khai thiết bị. Dự án này có tổng công suất 3.200 MW, tổng mức đầu tư 3 tỷ USD và sẽ lên đến 50 tỷ USD trong 25 năm.
Dự án tiếp theo LNG, công suất 3.000 MW tại Long An do General Electric và VinaCapital hợp tác về cung ứng các tua-bin khí và các thiết bị và dịch vụ liên quan.
Thứ ba là dự án LNG tại Hải Phòng hợp tác giữa Công ty Năng lượng ExxonMobil Hải Phòng Energy, UBND TP Hải Phòng và Công ty điện lực JERA của Nhật Bản. Tổ hợp này dự kiến đặt tại huyện Tiên Lãng, có công suất 4.500 MW, tổng mức đầu tư khoảng 5,09 tỷ USD.
Thông tin mới nhất hồi giữa tháng 5, trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ đã được trao. Với tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Dự án góp phần quan trọng ghi dấu ấn đầu tư tiếp theo của Tập đoàn AES ở Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được trao như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Tập đoàn GE đã ký thỏa thuận về hợp tác đầu tư nâng cao hiệu suất vận hành Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1; Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Casa System hợp tác đầu tư trong lĩnh vực mạng 5G.
Không chỉ GE cam kết đầu tư mở rộng tại VIệt Nam mà nhiều ông lớn khác như Intel đã đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD; Universal Alloy Corporation chuyên sản xuất các thiết bị điện tử cho máy bay do Boeing và Airbus chế tạo đã đầu tư 170 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.
Đáng chú ý, hãng Boeing mới đây cho biết muốn mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu, xây dựng trung tâm kỹ thuật, mở rộng kết nối với các đối tác trong nước.
Về các dự án của nhà đầu tư Trung Quốc, hồi tháng 1 đầu năm, dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD tại Nghệ An.
Một số dự án lớn mà các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư tại Việt Nam phải kể đến như Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trị giá 1,75 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận; Dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 có mức đầu tư 2,187 tỷ USD tại tỉnh Hà Tĩnh và Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 trị giá 2 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận.
Ngoài ra tại các khu công nghiệp, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có nhiều dự án, tập trung ở các khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu).