Thời sự

Hà Nội "phản pháo" về đường Lê Văn Lương: Thanh tra Bộ Xây dựng nói gì?


Theo kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, nhiều người giật mình bởi con đường Lê Văn Lương oằn mình gánh chịu hậu quả của sự điều chỉnh quy hoạch liên tục, gia tăng chiều cao các tòa nhà chung cư.

Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều DN nâng tầng nhà chung cư. Điển hình là Cty Cổ phần đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) làm chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất C1 (Diamond Flower Tower) điều chỉnh từ 6 lên 39 tầng.

Toà nhà có chức năng hỗn hợp Hà Nội Center Point ở ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy do Cty CP đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) làm chủ đầu tư được xây dựng trên nền đất đã được điều chỉnh từ đất công cộng thành văn phòng dịch vụ và nhà cho thuê. Số tầng được nâng từ 15 thành 32 tầng.

Ngoài ra, tại tuyến đường Lê Văn Lương có Cty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai, Tổng Cty HUD và Cty CP Phát triển thương mại Việt Nam lần lượt là chủ đầu tư Sao Mai Building, HUD Tower, Golden West. Các tòa nhà này được Hà Nội cho phép điều chỉnh quy hoạch sai quy định , nâng số tầng cao gấp 2-3 lần so với quy hoạch ban đầu.

Các công trình nâng tầng đã góp phần làm phá sản các dự án về giao thông… Chị Thu Hương, tòa nhà The Golden Palm cho biết: “Sau khi báo chí đưa tin, tôi mới biết tòa nhà mình đang ở bị điều chỉnh từ 15 lên 27 tầng. Tôi rất khổ sở vì ngày nào cũng phải đi làm trên tuyến đường đông đúc này. Có những hôm về gần đến đường Lê Văn Lương, nhìn thấy tòa nhà mình rồi nhưng phải mất nửa tiếng mới sang được đường”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - cho biết, sẽ yêu cầu các địa phương rà soát, quản lý, điều chỉnh lại nội dung, văn bản điều hành theo thẩm quyền, chức năng của mình. Các đồ án quy hoạch muốn được điều chỉnh, phê duyệt, chấp thuận điều chỉnh, doanh nghiệp cần gửi hồ sơ đến các cấp quận huyện để đảm bảo việc giám sát.

Qua thanh tra một số địa phương, ông Tuấn cho biết “khâu này rất yếu” nên dẫn đến vi phạm chậm phát hiện, phát hiện xong thì khó xử lý.

Những con phố nghẹt thở

Tại đường Nguyễn Tuân (gần đường Lê Văn Lương), chung cư cũng mọc như nêm. Đường Nguyễn Tuân chỉ dài 720m, rộng 6m nhưng có tới hơn 20 chung cư cao tầng với khoảng 6.000 căn hộ đã và đang được mở bán.

Nếu tính trung bình mỗi căn hộ ở các dự án trên có 3 - 4 người ở, sau khi các dự án được lấp đầy, dân số tại khu vực này có thể tăng lên hàng chục nghìn dân, tương đương với tổng dân số của cả một phường.

Các khối chung cư đã “chiếm” hầu hết khoảng không gian đô thị, tạo áp lực mạnh lên hạ tầng, khiến tuyến đường này gây ác mộng cho cư dân nhiều năm qua, khi họ thường xuyên phải chịu cảnh tắc đường, ngập lụt...

Ngay đầu năm 2022, Hà Nội liên tiếp điều chỉnh nâng tầng các dự án khác như: Dự án Mỹ Ðình Pearl nâng thêm 10 tầng, chuyển công năng văn phòng thành căn hộ, tăng thêm gần 850 cư dân ở.

Đáng chú ý, nhiều lô đất xây chung cư ở đường Nguyễn Tuân trước đây từng là nhà máy, xí nghiệp. Cụ thể, khu đất 3,7 ha ở 90 đường Nguyễn Tuân trước đây do một xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, sử dụng. Sau này nơi đây đã mọc lên một dự án gồm 87 nhà thấp tầng và 2 tòa nhà cao 29 tầng nổi cũng đang được xây dựng…

Khu đất 2,2ha tại 47 Nguyễn Tuân sau khi cơ quan chức năng thu hồi từ Cty CP dệt Mùa Đông đã được giao lại cho Cty CP bất động sản Mùa Đông (VID). VID đã thực hiện dự án xây dựng tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng gồm 4 tòa cao 27 - 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ.

Các dự án chung cư mới vẫn tiếp tục được cấp phép làm trên con đường nhỏ bé này: Dự án Viha Complex (107 Nguyễn Tuân) đang mở bán cao tới 33 tầng và được dự kiến bàn giao nhà năm 2023; Công trình DLC - Complex cũng đang trong quá trình hoàn thiện với 32 tầng cao.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm