Thời sự

GS.TS Phạm Hồng Chương: "Cầu tiêu dùng giảm sâu một phần do thị trường BĐS lao dốc"

Ngày 21/4,  Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023, đồng thời công bố ấn phẩm "Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2022" của Trường.  

Tại hội thảo, TS.Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết để đạt được mức tăng trưởng 5,8% năm nay (theo như dự báo từ IMF - cũng là dự báo thấp nhất từ các tổ chức), ba quý còn lại của năm phải tăng trưởng trung bình 6,6% và điều này khó có khả năng xảy ra.

Ông cũng đề cập một nghịch lý trong quý I vừa qua, khi tăng trưởng GDP thấp, lạm phát tăng, nhưng tiêu dùng lại tăng trưởng vượt bậc. Lĩnh vực tiêu dùng của TP HCM - thành phố đông dân nhất cả nước suy giảm, trong khi tiêu dùng của các tỉnh thành khác lại tăng.

Ông nhấn mạnh kinh tế Việt Nam hiện "không những khó khăn, suy giảm mà còn tiêu điều". 

"Năm ngoái chúng ta chỉ phục hồi ba quý, từ quý IV, kinh tế bắt đầu suy giảm nhưng khi đó khó khăn không được đánh giá thực chất. Đáng nhẽ phải đánh giá từ quý IV bắt đầu suy giảm và sự suy giảm không phải nhất thời, nó còn kéo dài bởi nhiều yếu tố bên ngoài và nội tại bên trong. Vì vậy cần phải đánh giá thực chất hơn nữa những khó khăn để từ đó đưa ra những giải pháp thực chất hơn", ông nói và dự báo tình hình tiếp tục xấu trong năm nay, nếu có cải thiện cũng không đáng kể.

Nguyên Viện trưởng CIEM nhắc lại tất cả các động lực đều đang suy giảm, riêng ngành dịch vụ được kỳ vọng nhưng trong bối cảnh thu nhập người dân giảm, lạm phát tăng thì dịch vụ cũng khó tăng trưởng mạnh. Ngoài ra giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa cải thiện nhiều.

 Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 diễn ra sáng 21/4. (Ảnh: A.Đ).

Trong khi đó, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề cập đến một trong những lý do cầu tiêu dùng giảm sâu là do thị trường bất động sản.

"Thị trường bất động sản lao dốc kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có sự sụt giảm rất lớn về nhu cầu tiêu dùng. Có thể người dân chưa hết tiền tích lũy, cũng không phải đã không còn khả năng chi tiêu nhưng vì sự sụt giảm trong thị trường bất động sản dẫn đến xu hướng hạn chế tiêu dùng. Niềm tin, dự định về nguồn thu trong tương lai của người dân bị sụt giảm", ông nói.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Lê Văn).

GS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng kinh tế đang gặp khó khăn kép, cả về cầu tiêu dùng và đầu ra. "Năm 2022, kinh tế tăng trưởng hơn 8%, tuy nhiên dấu hiệu khó khăn và suy giảm bắt đầu từ tháng 7, tháng 8, kéo dài đến nay. Hiện tại chúng ta đối mặt nhiều khó khăn liên quan chi phí đẩy, mọi thứ tăng giá cao, trong khi đó đầu ra hạn chế, xuất khẩu những tháng đầu năm giảm rất sâu.

Trong bối cảnh như vậy, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp chính là hỗ trợ giảm chi phí, hỗ trợ tăng cường đầu ra. Doanh nghiệp có thể tập trung vào nhu cầu nội địa. Nếu như trong đại dịch, nông nghiệp là trụ đỡ thì với bối cảnh hiện tại, thị trường nội địa sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn", GS.TS Phạm Hồng Chương nhận định.

Cũng tại hội thảo, PGS. TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng hiện nay chính sách tài khóa là quan trọng nhất để hỗ trợ nền kinh tế và trọng tâm của chính sách là hỗ trợ thuế, phí, giảm chi phí cho doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó về thị trường và chi phí sản xuất tăng cao. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm